An toàn thực phẩm

Kiểm soát an toàn thực phẩm ở nhóm nguy cơ cao

Nguyễn Thị Thu Hằng 28/06/2023 - 07:15

Từ đầu năm đến nay, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao như rau, thịt, thủy sản, Hà Nội đã tăng cường lấy mẫu, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

an-toan-tp.jpg
Thành viên Đoàn liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng ăn uống ở huyện Thường Tín. Ảnh: Hương Giang

Lấy mẫu giám sát chất lượng

Từ đầu năm đến nay, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã đẩy mạnh công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, tập trung vào nhóm sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày tại các công đoạn có nguy cơ cao. Tổng số mẫu được giám sát là 69 mẫu đều bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) cũng xét nghiệm nhanh 103 mẫu thịt gia súc đối với hoạt chất salbutamol (chất tạo nạc); kết quả 103/103 mẫu có kết quả âm tính. Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp lấy 369 mẫu nông sản thực phẩm tại các vùng trồng trên địa bàn để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nhằm đánh giá, chứng nhận sản phẩm. Kết quả, 6/369 mẫu không bảo đảm an toàn với chỉ tiêu phân tích thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật…

Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến, nhưng trong quá trình kiểm tra vẫn còn vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm còn lạc hậu; việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm; công tác xây dựng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; nguồn lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn hạn chế...

Ngoài khó khăn do thiếu cán bộ chuyên môn, hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm ở cấp xã, phường còn bị hạn chế bởi không có các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra được thực hiện chủ yếu là bằng cảm quan nên rất khó xác định chính xác lỗi vi phạm, thậm chí dễ vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt vi phạm…

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân

Để quản lý chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, các địa phương cần giám sát từ khâu sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, an toàn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cả truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp để chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm, giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện các nông sản thực phẩm không an toàn; phối hợp thẩm định, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố kiện toàn, tổ chức lực lượng quản lý chất lượng thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Mặt khác, ngành Nông nghiệp cũng tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, tiến tới mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao chỉ tiêu được công nhận, chỉ định, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ; xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn...

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật…

Các cơ sở sản xuất, chế biến cần có biện pháp hỗ trợ sản xuất sạch phát triển; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Người dân cần thận trọng nhiều hơn trong lựa chọn thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn thực phẩm ở nhóm nguy cơ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.