(HNM) - Đi trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại Hà Nội như: Đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 21, 32, 1A..., có thể nhận thấy dọc hai bên tuyến đường đều là những hàng cây xanh mướt mắt. Đây chính là kết quả từ nỗ lực "xanh hóa" những tuyến đường của thành phố Hà Nội trong 3 năm qua, nhằm chống xói mòn đất, chắn bụi, giảm tiếng ồn, đặc biệt là giúp cải thiện chất lượng không khí, góp phần tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho Thủ đô.
Nếu lâu không đi lại trên Đại lộ Thăng Long, nhiều người sẽ bất ngờ trước những hàng cây keo cao vượt tầm mắt tại tuyến đường này. Hàng keo xanh được trồng dọc hai bên dải phân cách giữa làn đường dành cho ô tô và xe máy, xe thô sơ, chạy qua địa phận các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai...
Anh Đào Anh Tuấn (trú tại Khu đô thị mới Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông) chia sẻ: "Dọc Đại lộ Thăng Long lâu nay luôn là đại công trường xây dựng với rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị. Xe chở vật liệu xây dựng, đất thải qua lại thường xuyên, gây bụi bẩn nhiều. Tuyến đường này cũng thường xuyên có mật độ giao thông qua lại lớn. Lớp cây keo trồng tại đây không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông, mà còn cải thiện chất lượng môi trường. Đi trong hành lang xanh này, có thể thấy rõ tình trạng bụi bẩn giảm rõ rệt. Cảnh quan tuyến đường cũng xanh, sạch, đẹp hơn".
Tương tự, tại nút giao quốc lộ 1A - quốc lộ 5A, hàng cây keo được trồng quanh vòng xuyến sau một thời gian đã xanh tốt, giúp hạn chế tình trạng xói lở hạ tầng giao thông, đem đến cảnh quan xanh ngay cửa ngõ Thủ đô.
Công ty cổ phần Phát triển sinh thái xanh là đơn vị thực hiện dự án trồng cây dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Hà Nội. Ông Phạm Quốc Huy, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết: Đại lộ Thăng Long là tuyến đường đầu tiên được đơn vị triển khai trồng keo tạo hành lang xanh (từ năm 2017). Cho đến nay, việc “xanh hóa” đã được thực hiện trên 34 tuyến đường với hơn 585 nghìn cây keo được trồng.
Ngoài ra, đơn vị còn trồng cây keo tạo “vòng xanh” tại các nút giao: Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 21A, quốc lộ 1A - quốc lộ 5A, quốc lộ 1A - quốc lộ 5B, Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì)... Tại các hành lang xanh này, lớp cây keo được trồng cách nhau 1,2m; hàng cách hàng 1,5m. Trong đó, tại Đại lộ Thăng Long, lớp cây keo đã và đang phát triển xanh tốt. Đến thời điểm hiện nay, nhiều cây đã cao 3,5-4,5m.
Ông Trần Xuân Đạo, chuyên viên Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc triển khai trồng cây, tạo hành lang xanh tại nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các nút giao thông lớn là nhằm thực hiện phương án chỉnh trang, tạo cảnh quan không gian xanh của thành phố Hà Nội... Trong đó, cây keo lai được lựa chọn để thực hiện “xanh hóa” bởi đặc tính: Tỷ lệ sống cao, cây phát triển nhanh, dễ thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, tiết kiệm chi phí duy trì. Không chỉ có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, cây keo lai còn giúp chắn bụi, giảm tiếng ồn, cải thiện được tiểu khí hậu, như chất lượng không khí, độ ẩm...
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiếp tục nghiên cứu, lập phương án thiết kế tổng thể, cải tạo, chỉnh trang đồng bộ với quy hoạch cảnh quan kiến trúc, không gian xanh tạo điểm nhấn và nét đặc trưng riêng cho các cửa ô của thành phố, trên các trục đường: Võ Nguyên Giáp, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Đại lộ Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, quốc lộ 1A, các quốc lộ: 5, 6, 32...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đến nay, Sở cũng đang triển khai trồng cây, tạo hành lang xanh cách ly các khu xử lý chất thải: Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì). Sau khi hoàn thành, cây phát triển xanh tốt, sẽ hình thành vành đai xanh cách ly các khu xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh.
Cùng với chương trình cải tạo, phát triển những tuyến đường cây, hoa trong nội đô, những tuyến quốc lộ đang được xanh hóa đã góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn hiệu quả; đồng thời giúp tiết kiệm chi phí duy trì, giữ ẩm cho đất, tạo cảnh quan đẹp, hiện đại cho thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.