Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xắn tay vào làm để ý tưởng thành hiện thực

Thái Sơn| 21/04/2013 05:58

(HNM) - Bước qua ngưỡng cửa nghìn năm tuổi, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Được mệnh danh là ngành "công nghiệp không khói", du lịch chính là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.



Song với Hà Nội, dường như tiềm năng vàng về du lịch chưa được khai thác hết lợi thế, thậm chí ở nhiều khía cạnh vẫn đang trong thời gian "ngủ yên". Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và chúng ta phải làm gì để phát triển du lịch của Thủ đô? Đó chính là chủ đề cuộc đối thoại của Báo Hànộimới và ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội.

Tiềm năng vẫn là… tiềm năng

- Thưa ông, trước đây slogan của ngành du lịch Việt Nam là “Vẻ đẹp tiềm ẩn”. Với Thủ đô Hà Nội, không lẽ tiềm năng về du lịch mãi trong cảnh… tiềm ẩn bởi chúng ta chưa khai thác tốt những lợi thế. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Phải khẳng định, tiềm năng của du lịch Hà Nội (cả về du lịch lịch sử - văn hóa và du lịch sinh thái) là rất lớn, đặc biệt là sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, sự đầu tư manh mún, cách làm chộp giật… Tất cả những điều đó làm cho kinh tế du lịch của chúng ta chưa phát triển đúng tầm.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội. Ảnh: Thanh Quỳnh


- Năm 2012, theo công bố của cơ quan chức năng, khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 6,6 triệu lượt người, tăng hơn 9% so với năm 2011. Cũng năm 2012, tạp chí Smart Travel Asia online (Hồng Kông - Trung Quốc) bình chọn, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 6 trong số 10 điểm đến tại châu Á. Một thống kê khác, tại Nhà hát múa rối nước Thăng Long, mỗi tháng có tới hơn 10.000 lượt khách, trong số đó tỷ lệ khách đi theo tour chiếm tới 80%. Liệu những con số này có mâu thuẫn với điều ông vừa nhận định?

- Tôi cho rằng, những thống kê này mới chỉ đơn thuần là… cơ học, chưa nói lên thực chất vấn đề. Ví dụ, với số lượng khách quốc tế tới Việt Nam, bao nhiêu phần trăm trong đó là khách du lịch, bao nhiêu phần trăm là khách đến đây để làm ăn, ký kết hợp đồng… Từng đối tượng sẽ có cách chi tiêu khác nhau. Ngay như khách đến Việt Nam, đi du lịch theo kiểu “bụi”, ăn bánh mỳ, uống nước suối, nghỉ trong túi ngủ… thì lợi nhuận chúng ta thu được qua các hình thức dịch vụ không nhiều, không thể theo kiểu tính toán chi tiêu bình quân một lượt khách là 1.000 USD. Thậm chí, dù số lượng khách đến Hà Nội, khách đến Việt Nam là như vậy, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, tiềm năng của chúng ta còn lớn hơn rất nhiều.

- Ông có thể phân tích sâu về vấn đề này?

- Rõ nhất là những dịp nghỉ lễ, tết, không riêng với Hà Nội, ở mọi nơi người dân đều rất thiếu địa điểm vui chơi, giải trí. Họ có nhu cầu, có khả năng về kinh tế nhưng chúng ta lại chưa đáp ứng được điều đó, rõ ràng là chúng ta làm chưa tốt. Hay như hằng năm, ước tính người Việt Nam mất hàng tỷ đô la cho việc đi du lịch và chúng ta đã trở thành thị trường nguồn của nhiều nước với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Tìm hiểu nguyên nhân, nhiều người cho rằng, đi du lịch nước ngoài còn rẻ hơn giá du lịch nội địa. Chỉ nêu một khía cạnh để thấy tiềm năng ngay từ khách nội địa là rất lớn nhưng chúng ta vẫn “thua ngay trên sân nhà”. Đây là cụm từ đã được nhiều người nhắc đến, nhưng làm thế nào để chấm dứt tình trạng đó (cũng tương tự như việc ra nước ngoài chữa bệnh, ra nước ngoài du học…) thì chúng ta chưa có câu trả lời.

Điều kiện đủ là phải… hành động

- Quay trở lại với địa bàn Hà Nội, theo ông, đâu là thế mạnh về du lịch của chúng ta?

- Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa mà không nhiều thành phố trên thế giới có được. Theo số liệu thống kê, có tới 40% di tích của cả nước tập trung ở Hà Nội và với hơn 1.300 làng nghề thủ công. Thủ đô cũng là nơi chiếm gần 60% tổng số làng nghề của toàn quốc. Đây chính là lực hút đối với du khách nước ngoài vốn rất quan tâm tới lịch sử văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới lúc này, điểm đến dành cho du khách vẫn là những địa danh quen thuộc như Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực 36 phố cổ, chùa Trấn Quốc, chùa Hương, phủ Tây Hồ, làng cổ Đường Lâm, làng gốm sứ Bát Tràng… Trong đó nhiều nơi chúng ta làm du lịch theo kiểu tự phát, manh mún, ai biết việc người đó, uy tín tạo dựng không bền vững, sản phẩm thì công thức, dịch vụ lạc hậu, nghèo nàn… Chính vì vậy, các hướng dẫn viên du lịch có câu cửa miệng: “Sáng thăm bảo tàng, tối xem rối nước”. Thậm chí, một số hãng lữ hành còn bỏ qua Hà Nội trong hành trình tham quan Việt Nam.

- Tóm lại là chúng ta mới chỉ khai thác những gì sẵn có mà chưa có sự đầu tư mọi mặt để có nhiều “điểm đến” đẹp hơn, hấp dẫn hơn đối với cả du khách trong nước và quốc tế.

- Vâng! Bản thân Hà Nội chứa trong mình những di sản vô giá, cả vật thể và phi vật thể. Mỗi địa danh ở Hà Nội là một câu chuyện, một sự tích mang hồn sông núi không chỉ của người Hà Nội mà của chung người Việt Nam. Nhưng còn phải làm nhiều việc để du khách hiểu điều đó.

- Chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý phát triển ngành “công nghiệp không khói” cũng như thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước, song trên thực tế, sự chuyển mình vẫn rất ì ạch?

- Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ, mang tính chất quyết định là hành động triển khai để những mục tiêu đó trở thành hiện thực. Chủ yếu chúng ta mới dừng lại ở việc xới xáo vấn đề. Hoạt động xúc tiến, xây dựng, quảng bá thương hiệu rất yếu; thiếu quy hoạch tổng thể; thủ tục mở các dự án phát triển du lịch còn rườm rà, khó khăn; chưa thu hút được các DN đủ mạnh để làm hạt nhân, làm đầu tàu, phục vụ cho các dự án đầu tư nhằm phát triển bền vững …

- Theo ông, làm du lịch, những tiêu chí nào là quan trọng?

- Tôi cho rằng làm du lịch bây giờ phải chuyên nghiệp và những tiêu chí bắt buộc là Sạch - Đẹp - Thân thiện với môi trường - Chất lượng - Giá cả.

- Nhiều người suy nghĩ, xuất phát từ nền văn minh lúa nước (nông nghiệp là chủ đạo), tư duy, trình độ, tác phong công nghiệp của chúng ta hiện nay rất yếu trong khi ngành “công nghiệp không khói” lại có những yêu cầu, đòi hỏi cao. Do đó tính chuyên nghiệp không thể xây dựng trong một sớm một chiều?

- Người Việt Nam rất cần cù, ham hiểu biết, chịu khó học hỏi. Vấn đề xây dựng tính chuyên nghiệp không phải là khó, mấu chốt ở chỗ phải có người hướng dẫn cho họ như thế nào là chuyên nghiệp và cần phải làm những việc cụ thể gì… Nói cách khác là chúng ta thay đổi tư duy làm du lịch, phải tính toán việc đào tạo bài bản ở tất cả các khâu trong toàn bộ hệ thống, cùng với đó là đầu tư hạ tầng cơ sở. Như vậy mới có một tổng thể đồng bộ.

Mục tiêu hàng đầu là lợi ích cộng đồng

- Theo ông, đâu là gốc của vấn đề?

- Tôi cho rằng, luôn phải đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu, cả chính quyền, nhà quản lý và các DN đều phải như vậy. Quan điểm của tôi là cộng đồng có trách nhiệm; cộng đồng thực hiện, cộng đồng bảo vệ, gìn giữ và cộng đồng hưởng lợi. Cá nhân tôi hay bất cứ DN nào cũng là thành viên trong cộng đồng xã hội.

- Nhưng người ta vẫn quan niệm, với các DN, nhà đầu tư, lợi nhuận là yếu tố hàng đầu?

- Nếu cộng đồng không được thụ hưởng lợi ích, không cuốn hút được họ tham gia thì DN lấy đâu ra lợi nhuận. Tôi lấy ví dụ, mở ra một dự án, người dân được đền bù giải phóng mặt bằng sòng phẳng, được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện bố trí việc làm, ổn định cuộc sống; dự án hoàn thành, bộ mặt của địa phương thay đổi, thu nhập của người dân nâng cao; như vậy chắc chắn chính quyền và người dân địa phương đều ủng hộ. Lại nữa, khi dự án đi vào hoạt động, nhưng dịch vụ yếu, giá cả đắt đỏ, làm ăn chộp giật… không hút được khách thì DN lấy đâu ra doanh thu, lợi nhuận.

- Như ông vừa nêu, an sinh xã hội là rất quan trọng?

- Suy cho cùng, mọi hoạt động trong xã hội đều đặt người dân vào vị trí trung tâm, nhằm không ngừng cải thiện, đáp ứng và nâng cao nhu cầu hưởng thụ cho người dân cả về vật chất và tinh thần.

- Theo ông, đâu là đặc điểm chung của các DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch?

- Đó là đầu tư “một cục”, thu về nhỏ giọt, nói cách khác là bỏ tiền chẵn, thu về tiền lẻ.

- Tôi lại thấy, đầu tư vào du lịch không chỉ là chuyện làm ăn mà còn là vấn đề văn hóa. Sản phẩm du lịch không phải là những hàng hóa bình thường mà nó bao hàm giá trị văn hóa, tính nghệ thuật rất lớn.

- Một chữ “T” rất quan trọng đối với những DN hoạt động du lịch, đó là chữ “Tâm”. Tâm sáng là một khía cạnh, ở một góc độ khác đó còn là cái tâm về ngành du lịch và lòng nhiệt huyết với nghề. Nếu chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, tận thu thì đừng nên hoạt động trong lĩnh vực này.

- Có thể thấy hiện nay nguồn kinh phí từ ngân sách là rất khó khăn vì chúng ta còn nhiều việc phải làm. Do đó, chủ trương của thành phố là đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực để huy động mọi tiềm năng và nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, đó là chủ trương đúng đắn. tuy nhiên, việc thực hiện còn rời rạc, chưa nằm trong một hệ thống, chưa có sự thống nhất về cơ chế, chính sách, chưa huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Một số lĩnh vực đầu tư như giao thông, môi trường, xây dựng nhà ở xã hội… hiện đang được quan tâm với những cơ chế ưu đãi nhất định. Lĩnh vực du lịch của Thủ đô cũng rất cần được chú trọng đúng mức. Có thể thấy, tại nhiều quận, huyện của Hà Nội, kinh tế du lịch đã có đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên trên phương diện toàn thành phố thì sự đóng góp này còn hạn chế.

- Tức là cần có sự bình đẳng giữa các lĩnh vực, các thành phần kinh tế?

- Vâng! Và cần có sự hài hòa giữa lợi ích của ba bên (Nhà nước, người dân và DN), trong đó xuất phát điểm là lợi ích của người dân.

- Tôi được biết, ông còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, chủ nhân của nhiều dự án lớn tại Hà Nội. Nhiều người nói, ông hay có những ý tưởng… kỳ quặc nên có những dự án không giống ai. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi không cho là như vậy. Ngoài chữ “Tâm” đã nêu ở trên, tôi cho rằng người lãnh đạo còn phải có “Tầm” (sự nhìn xa trông rộng), muốn vậy thì phải có “Tài” (mới có thể đi tắt đón đầu) và bây giờ không thể không nhắc tới một yếu tố đặc biệt quan trọng, đó là “Tiền” tức là vốn đầu tư. Từ đó lựa chọn dự án, mục tiêu, quy mô, căn cứ vào ảnh hưởng xã hội, tức là sự quan tâm của cộng đồng và lợi ích mang lại cho cộng đồng khi dự án được thực hiện. Mấy năm trước khi đầu tư xây dựng Công viên Vĩnh hằng (Ba Vì - Hà Nội) nhiều người cho rằng tôi… không bình thường, nhưng rõ ràng, đến giờ đó là điển hình của mô hình xã hội hóa hiệu quả, vừa phục vụ được nhu cầu của người dân, vừa góp phần cải thiện môi trường.

- Có nhiều vấn đề ông nêu rất sâu sắc và tâm huyết, song dường như hoạt động của Hiệp hội Du lịch Hà Nội còn khá trầm lặng?

- Đúng là như vậy, nói chính xác hơn là còn mang nặng tư duy quản lý hành chính nhà nước trong khi đây là một hội ngành nghề, hoạt động là tự nguyện, tập hợp những DN chung một lĩnh vực hoạt động nhưng điều quan trọng hơn là chung một mục đích, chí hướng. Mong muốn của các DN là phải rõ ràng về lợi ích khi tham gia Hiệp hội. Đó là sự bảo vệ về quyền lợi, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động; sự quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau trong làm ăn, vượt qua khó khăn; thậm chí họ muốn biết phải làm gì, đầu tư như thế nào, dự báo sự vận động của thị trường… để có thể phát triển chiều sâu, bền vững… chứ không phải “đánh trống ghi tên”, tham gia cho vui.

- Du lịch Hà Nội còn nhiều việc phải làm và chắc chắn Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng phải có những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động để theo kịp với yêu cầu thực tế. Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xắn tay vào làm để ý tưởng thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.