Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Xẩm trà đá" và chuyển động của xẩm thời nay

Thụy Du| 22/06/2015 06:42

(HNM) - Nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt MV


Hát xẩm cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác luôn âu lo về sự mai một. Mấy ai biết câu chuyện về "Người hát Xẩm cuối cùng" Hà Thị Cầu cả đời sống trong cảnh khốn khó vẫn hát, truyền dạy, đặt lời mới để gìn giữ di sản quý báu, càng ít ai phân biệt được làn điệu xẩm thập ân, xẩm tàu điện hay xẩm chợ, xẩm sai, nhất lại là giới trẻ chọn giải trí bằng cách lướt mạng, lang thang trà đá vỉa hè… Xẩm trước nay đã thu hẹp về đối tượng, nay khi vắng bóng nhiều nghệ nhân lớn thì càng ít người biết hơn. Mặc dù với người đã nghe, đã ngấm, đã hiểu thì lại luyến lưu, gắn bó, muốn bằng mọi cách gìn giữ, phát huy môn nghệ thuật độc đáo này. Nhóm Xẩm Hà Thành với một sự thức thời đã chọn cách cởi mở, phóng khoáng là chủ động tiếp cận công chúng, nhất là các bạn trẻ thay vì để họ tự tìm đến. Hát xẩm vốn là loại hình hát về thời sự, để phản ánh, nói lên phản ứng của người dân với thời cuộc một cách giản dị, dân dã, gần gũi. Bản chất đấy, thật gần với nghề báo. Và đó là lý do mà Xẩm Hà Thành bước theo hướng này và cho ra mắt MV đúng dịp 21-6.

MV "Xẩm trà đá" dài gần 9 phút, là một liên khúc xẩm gồm nhiều bài gắn kết với nhau, có phần mở đầu, kết thúc, dẫn nối và đối thoại bằng âm nhạc hát xẩm, tạo cho người xem cảm giác như được thưởng thức một bộ phim bằng nhạc. Phần lời chủ yếu do nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác dựa trên những vấn đề thời sự lớn, gây chú ý của dư luận thời gian gần đây, ngoài ra có sử dụng một bài thơ của tác giả Duy Tuấn. Nhạc sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long còn là một cây viết về âm nhạc sắc sảo trên báo chí. Điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến tác phẩm lần này. "Xẩm trà đá" mang đậm ngôn ngữ thời sự nhưng vẫn đi đúng chuẩn mực các làn điệu xẩm và phong cách hát xẩm mà các nghệ sĩ trong nhóm đã nhiều năm nghiên cứu, được trực tiếp nghệ sĩ dân gian Hà Thị Cầu truyền dạy, chỉ bảo, rèn luyện… MV có 4 bài chính là: "Tắm tri ân" theo điệu xẩm chợ nói về thái độ ứng xử của người dân trong vụ việc Công viên nước Hồ Tây mở cửa miễn phí đầu hè, "Dân làng tự lo giữ rừng" theo điệu xẩm tàu điện phản ánh chuyện về lâm tặc phá rừng và sự can đảm giữ rừng của đồng bào ở tỉnh Gia Lai, "Bỏ con bơ vơ" theo điệu xẩm thập ân cảnh báo về nạn những bà mẹ trẻ từ bỏ con dẫn đến nhiều thảm cảnh cho các bé và "Máy bay rơi" theo điệu xẩm tàu điện nói về chuyện an toàn và dịch vụ hàng không. Hát chính là các nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Thanh Sơn.

Vì là MV nên không thể thiếu phần hình. Điều đặc biệt ở chỗ MV lấy bối cảnh tại một quán trà đá vỉa hè, nơi thu hút nhiều thanh niên đến nói chuyện khi rảnh rỗi, cũng từ đây "thông tấn xã trà đá" cập nhật nhiều chuyện "trên trời dưới bể", từ nhà ra ngõ và từ đời sống đến trên mặt báo… Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Nhật Giang tạo ra những hình ảnh hiện đại, giới thiệu những đặc trưng của Hà Nội với cảnh có chàng thanh niên hiện đại, chạy xe máy qua Hồ Gươm, phố Tràng Tiền, Nhà hát Lớn, có chàng ngồi trà đá lướt "máy tính bảng" hay có bạn vừa đi dạo vừa nghe nhạc… MV có sự tham gia của Hoa hậu Quý bà Châu Á tại Mỹ Sonya Sương Đặng với vai cô bán trà đá. Sự sắp đặt này vừa hấp dẫn cũng mang nhiều dụng ý. Với Sương Đặng, chị muốn quảng bá về nghệ thuật hát xẩm ở Việt Nam cho kiều bào ở nước ngoài. Còn với những người sản xuất, là một minh chứng cho sức hút của xẩm với nhiều đối tượng.

"Xẩm trà đá" được phát hành online cũng là để tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng, góp sức vào mặt trận truyền thông theo cách riêng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Xẩm trà đá" và chuyển động của xẩm thời nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.