Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác nhận nông sản, thực phẩm an toàn: Vì sao khó?

Quỳnh Ngọc| 04/05/2016 06:09

(HNM) - Hà Nội đang triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn trên rau, thịt nhằm quảng bá sản phẩm sạch trên thị trường cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn bởi số cơ sở được xác nhận an toàn quá ít do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ...

Chăm sóc rau an toàn tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền


Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, Chi cục đã tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế về điều kiện sản xuất, kinh doanh của 11 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Đơn vị cũng phối hợp với tỉnh Hòa Bình kiểm tra 2 cơ sở chăn nuôi lợn tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc như: Số cơ sở được xác nhận còn quá ít so với tiềm năng của địa phương do yêu cầu kiểm chứng của các khâu từ sản xuất tới tiêu dùng phải đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) rất cao. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết nên khó khăn cho các ngành chức năng khi cấp giấy chứng nhận SPAT. Nhiều cơ sở đáp ứng được khâu sản xuất nhưng khâu sơ chế, bảo quản còn yếu, cơ sở vật chất ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản chưa bảo đảm yêu cầu về vệ sinh.

Trong khi đó, các quy định về việc xác nhận SPAT đối với cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm hiện chưa có quy định bắt buộc trong Luật ATTP mà chỉ mang tính chất tự nguyện nên các địa phương chưa mạnh dạn triển khai. Sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành y tế, công thương còn hạn chế, thiếu chủ động nên hiệu quả không cao.

Theo ông Đặng Bá Thắng - Chủ nhiệm HTX Rau an toàn (RAT) Đại Lan (Duyên Mỹ - Thanh Trì), hiện sản lượng RAT bán buôn qua thương lái chiếm 60% tổng sản lượng rau của xã. Lượng RAT còn lại được nông dân bán buôn tại chợ đầu mối và bán lẻ tại các chợ dân sinh, một phần nhỏ bán ở cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể. Để quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng, HTX được tham gia thí điểm xác nhận SPAT từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhưng gặp khó khăn ở khâu sơ chế do ý thức của người sản xuất không cao, khó quản lý.

Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, việc xác nhận SPAT đối với rau, thịt hiện nay rất cần thiết để quảng bá, giới thiệu những cơ sở làm tốt tới người tiêu dùng, nhưng do ý thức của một số cơ sở chưa cao vẫn còn đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc bán tại các cửa hàng được xác nhận an toàn gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Thực tế, các cơ sở tham gia xác nhận chuỗi SPAT đều đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch về vốn, tiền thuê cửa hàng trong thời điểm ban đầu vì hiện nay tiền thuê cửa hàng bán thực phẩm sạch tương đối cao trong khi giá trị mặt hàng thấp. Ông Trần Mạnh Chiến - chủ cơ sở quản lý chuỗi cửa hàng Bác Tôm cho rằng, cơ sở được xác nhận SPAT phải được giám sát chất lượng định kỳ theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 về quy định điều kiện bảo đảm ATTP và phương pháp quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (theo đó sẽ kiểm tra lấy mẫu 1 năm/lần đối với cơ sở xếp loại A và 6 tháng/lần đối với cơ sở loại B). Kinh phí để lấy mẫu giám sát rất lớn, hiện nay thành phố chỉ hỗ trợ 100% trong giai đoạn thí điểm. Các cơ sở kiến nghị tiếp tục hỗ trợ cho SPAT trong giai đoạn quảng bá thương hiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng:
Sẽ mở rộng triển khai xác nhận sản phẩm an toàn

Trong năm 2016 sẽ xác nhận 35 chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản gồm 30 chuỗi được sản xuất tại Hà Nội và 5 chuỗi sản phẩm sản xuất tại các tỉnh có tiêu thụ trên địa bàn thành phố; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Sở và các địa phương nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận an toàn, giám sát chặt chẽ các công đoạn tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng SPAT được xác nhận. Bên cạnh đó, vận động người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất bảo đảm ATTP theo chuỗi và hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm có nhãn nhận diện được xác nhận an toàn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác nhận nông sản, thực phẩm an toàn: Vì sao khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.