(HNM) - Ngành xuất bản - in và phát hành sách Việt Nam vừa bước qua tuổi 60, nhưng chắc chắn chưa bao giờ chứng kiến một đời sống xuất bản sôi động, đa dạng và cũng phức tạp như hiện nay.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự chuyển động này, nhưng dường như vẫn có một "ẩn số", đó là các biên tập viên (BTV).
Yêu cầu xác định rõ hơn về nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này đã được đặt ra trong dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi mà kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét thông qua.
Ngành xuất bản rất cần các biên tập viên giỏi, có tâm, có nghề để mang đến nhiều cuốn sách tốt, phục vụ đông đảo bạn đọc. Ảnh: Linh Tâm |
1. BTV có còn là "tài sản" của NXB?
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 27 nghìn tên sách ra đời, nghĩa là chừng ấy bản thảo đã được BTV "lọc" trước khi đưa chúng đến với bạn đọc.
Về cơ bản thì có hai lực lượng BTV cùng song song tác nghiệp. Lớp trẻ không thể không được ghi nhận với độ nhanh nhạy thể hiện ở việc khai thác mảng sách nước ngoài. Với "bảo bối" là trình độ ngoại ngữ và công nghệ, họ có thể cập nhật báo chí và xuất bản phẩm của nhiều nước, biết được nhân vật nào đang "hot", cuốn sách nào thuộc hàng bestseller, sau đó lên ý tưởng xuất bản, đề xuất với lãnh đạo, tổ chức thương thảo mua bản quyền, biên tập, hỗ trợ tổ chức PR sự kiện, quảng bá… Nhiều NXB "chuyên môn hóa" thì có riêng bộ phận bản quyền, cùng BTV khai thác bản thảo đắt giá. Còn BTV có thâm niên, theo đánh giá là "đã có thương hiệu, có mối quan hệ rộng, có khả năng làm việc với tác giả lớn, thậm chí họ hỗ trợ rất nhiều về chuyên môn cho các đối tác liên kết xuất bản".
Ở những đơn vị làm sách nghiêm túc, lực lượng BTV rất được coi trọng. Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ: "BTV là linh hồn và tài sản của NXB. Thời nào cũng vậy, BTV cần có một cái vỏ là bằng cấp, trình độ, ngoại ngữ… nhưng điều làm nên sự khác biệt là một tâm hồn yêu cái đẹp và niềm vui sướng được biên tập sách. Muốn tạo cảm hứng này thì cần có cơ chế cho BTV. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng phải có những thỏa thuận, quy định giống như hương ước của làng vậy". Mỗi BTV có một cá tính, phong cách riêng. Ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng: "Không thể mặc đồng phục cho tất cả BTV, nhưng phải biết phát huy hết năng lực cá nhân của họ".
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, không thể nói hay cho tất cả. Nếu như trước đây tên tuổi BTV nhiều khi "nổi" ngang với tác giả, thì nay, vai trò của BTV "chìm" hơn, lẫn trong cuộc mưu sinh tất bật. Sách mắc lỗi chính tả, sai sót về nội dung, sách mang tính giải trí tầm thường… vẫn qua cửa biên tập, ra thị trường. Có trách nhiệm của BTV không? Trong thâm tâm hẳn không có NXB nào, BTV nào muốn làm việc kém cỏi, nhưng trong sự lộn xộn đang diễn ra chắc chắn có phần trách nhiệm của họ. Từ cái sự kém ấy là những khoản lãng phí vô cùng lớn: phí giấy mực, phí thời gian của công chúng và cả niềm tin mà những người làm sách chân chính phải chắt chiu từng tí từ người đọc.
Nhiều BTV đã rời NXB ra đi. Nhìn nhận về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau, phổ biến là câu "chảy máu chất xám". Nhưng cũng có quan điểm khác, nói như giám đốc một NXB thì "chuyện người ra đi, người mới vào là bình thường, nếu là một BTV có năng lực thì vẫn có thể đỡ đầu cho những cuốn sách tốt, vẫn phục vụ được đông đảo bạn đọc, mà có khi lại là phục vụ tốt hơn".
2. Thay đổi để xứng với vị thế mới
Không phải ngẫu nhiên mà luật pháp công nhận quyền được đứng tên của BTV trên xuất bản phẩm. Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi (đang được xem xét thông qua) nêu rõ BTV phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ TT-TT cấp với một số điều kiện cụ thể như có ít nhất hai năm làm việc trong ngành, có chứng nhận nghiệp vụ, không kể đến một bằng đại học trước đó.
Chứng chỉ là việc của quản lý nhà nước, thực tế nghề nghiệp đang đòi hỏi BTV những phẩm chất mới. Đó là kiến thức về hàng loạt vấn đề như: bản quyền, sở hữu trí tuệ, các thông lệ giao dịch quốc tế về xuất bản - phát hành sách… Không phải chỉ với cây bút và tập bản thảo nữa, mà BTV lúc này còn gánh trách nhiệm cùng NXB giải quyết những tình huống tranh chấp trong các hoạt động xuất, nhập khẩu, liên danh, liên kết xuất bản.
Một vấn đề khác cũng đã được thảo luận, là nên quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức nhân sự, quy trình tổ chức biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản, công nhận thực tế sự tham gia biên tập của đối tác liên kết và quản lý hoạt động này bằng quy định chỉ "biên tập bước đầu, sơ bộ", NXB vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về bản thảo. Như vậy, BTV sẽ được nhìn nhận theo hướng chuyên môn hóa, và dù làm việc ở NXB hay đơn vị liên kết thì yếu tố chuyên nghiệp và trách nhiệm trước luật pháp vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Thiết nghĩ, xác định rõ vai trò của BTV cũng là cách khuyến khích, tạo động lực để những người gánh vác trọng trách "bà đỡ" cho những cuốn sách có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.