(HNM) - Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng, tiến bộ của dự thảo luật lần này là đã coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường.
Dự thảo luật được thiết kế theo hướng đơn giản hóa; quy định cụ thể hơn đối với từng bộ, ngành, địa phương; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong quản lý nhà nước về du lịch.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần thể chế hóa thêm nội dung đã được nêu trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về thành lập quỹ phát triển du lịch và có cơ chế quản lý sử dụng hiệu quả quỹ này. Ngân sách nhà nước cần hỗ trợ ban đầu theo quy định và hằng năm quỹ được bổ sung từ phí thị thực nhập cảnh, tham quan du lịch, đóng góp của doanh nghiệp...
Vấn đề đô thị du lịch cũng được nhiều đại biểu thảo luận. Đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Việt Nam rất cần có những đô thị du lịch và trên thực tế đã có những đô thị du lịch, thành phố du lịch như Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Hạ Long, Hội An… Nếu luật không quy định về vấn đề này thì những đô thị như trên vẫn phát triển một cách khách quan, nhưng dễ dẫn đến bị động, thậm chí lúng túng trong vấn đề quy hoạch, quản lý...
Tuy nhiên, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang), Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thì lại chọn phương án không đưa quy định về đô thị du lịch vào trong luật do Luật Du lịch 2005 đã có quy định về đô thị du lịch nhưng hơn 10 năm qua, cả nước mới có một địa phương được công nhận và hiệu quả của danh hiệu này đối với địa phương còn rất hạn chế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.