(HNM) - Công tác xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp tổng thể, phù hợp.
Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại giúp Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân. Ảnh: Bá Hoạt |
Khó kêu gọi nguồn xã hội hóa
TP Hà Nội có 41 bệnh viện công lập (28 bệnh viện cấp thành phố, 13 bệnh viện cấp huyện). Giai đoạn 2011-2016, cùng với nguồn ngân sách TP Hà Nội đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế trị giá hơn 800 tỷ đồng, các bệnh viện cũng xây dựng 43 đề án kêu gọi xã hội hóa (XHH) được 261 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, hiện tại chỉ bệnh viện hạng 1 mới dễ thu hút nguồn lực đầu tư, bởi đông bệnh nhân, nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh. Ngược lại, các bệnh viện hạng 2, hạng 3 rất khó kêu gọi XHH vì doanh nghiệp khảo sát thấy số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ít, khó có lợi nhuận nên từ chối.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tú cho biết, vì bệnh viện thuộc hạng 3, ít bệnh nhân, nên giai đoạn 2011-2016, BVĐK huyện Phúc Thọ không thu hút được nguồn vốn XHH mà chỉ tiếp nhận các thiết bị từ nguồn vốn nhà nước đầu tư trị giá hơn 23 tỷ đồng và đầu tư mua thiết bị từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị trị giá gần 2 tỷ đồng. Cũng do thiết bị y tế thiếu, trong khi số người đến khám bệnh ngày một tăng, nên bệnh nhân thường phải chờ đợi xét nghiệm, chẩn đoán lâu. Ngoài ra, BVĐK Phúc Thọ hiện chỉ có một cán bộ kỹ thuật trình độ cao đẳng nên cũng gặp vướng mắc trong quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế.
Dù có nhiều lợi thế so với các bệnh viện hạng 2, hạng 3, nhưng không phải bệnh viện hạng 1 nào trên địa bàn Hà Nội cũng dễ dàng kêu gọi doanh nghiệp tham gia XHH đầu tư trang thiết bị y tế. Đơn cử BVĐK Hà Đông là bệnh viện hạng 1, nhưng từ năm 2011 đến nay mới thu hút được 7,2 tỷ đồng, còn lại thành phố vẫn phải đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Giám đốc BVĐK Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao nhưng trang thiết bị của bệnh viện vẫn chưa đầy đủ. Trong khi đó, BVĐK Hà Đông còn phải chịu sự cạnh tranh của các bệnh viện lân cận (Bệnh viện Quân y 103 và một số bệnh viện tư…); thiếu cán bộ kỹ thuật sử dụng thiết bị, dẫn đến việc thu dung bệnh nhân chưa đông. Để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, hạn chế chuyển tuyến, thời gian tới, bệnh viện phải phát triển thêm nhiều kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa…
BVĐK Xanh Pôn thu hút nguồn vốn XHH lớn nhất thành phố nhưng cũng chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng nên vẫn thiếu máy móc để triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn vẫn khẳng định, thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục kêu gọi XHH để có nguồn đầu tư trang thiết bị nhằm phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Định hướng đầu tư phù hợp
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư những thiết bị y tế dễ thu hồi vốn và có lãi như máy siêu âm, máy chụp X Quang…; còn các thiết bị điều trị chuyên sâu trong hồi sức, chống nhiễm khuẩn… thì doanh nghiệp không mặn mà, bởi đầu tư cao nhưng lâu thu hồi được vốn. Vì vậy, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nâng cao chất lượng y tế Thủ đô, thì những thiết bị y tế chuyên sâu rất cần sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Nhiều thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho rằng, Sở Y tế cần định hướng cho các bệnh viện công lập lên danh mục mua sắm trang thiết bị y tế phải thực hiện trong dài hạn, tiến tới tự chủ, tránh lãng phí trong đầu tư. Sở cần tham mưu cho thành phố đầu tư thiết bị, kêu gọi nguồn XHH theo thế mạnh của từng bệnh viện, tránh đại trà, đầu tư thiết bị giống nhau. Theo đại biểu chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân, các bệnh viện sở dĩ không thu hút được nhiều nguồn vốn XHH là do chưa chọn được lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh của mình. Còn theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn (thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách), trong lúc còn khó kêu gọi nguồn vốn XHH thì các bệnh viện có thể chủ động vay ngân hàng, khi đó thay vì chia lợi nhuận với doanh nghiệp thì bệnh viện trả lãi suất cho ngân hàng. “Hiện nay vay đầu tư xây dựng cơ bản thì khó, chứ vay đầu tư các thiết bị y tế thì dễ hơn nhiều” - ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, dù có nhiều cố gắng, nhưng công tác XHH trong đầu tư thiết bị y tế trên địa bàn thành phố vẫn chưa như mong muốn, trong đó bệnh viện hạng 2, hạng 3 rất khó khăn. Sở Y tế Hà Nội cần rà soát lại các danh mục, đánh giá lại các dịch vụ y tế, từ đó tham mưu cho thành phố đầu tư theo hướng chuyên sâu; đồng thời tiếp tục cùng với các bệnh viện kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp, tiến tới thực hiện tự chủ về tài chính như mô hình hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.