(HNM) - Vụ án mạng kinh hoàng trên đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh vừa xảy ra khiến những người luôn đau đáu về vấn đề xây dựng văn hóa giao thông thêm nhức nhối.
Trong khi vụ án nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn "nóng hổi" trên các trang tin thời sự, thì tại Hà Nội, ngày 11-8, trên đường Phan Đình Phùng, cũng chỉ vì va chạm giao thông nhỏ mà một toán thanh niên đã hành hung gây thương tích cho 2 người. Đây không phải là những vụ án đầu tiên xuất phát từ những va chạm trên đường, đáng lo là dường như số vụ án có nguyên nhân tương tự ngày càng tăng.
Cán bộ trực tiếp thụ lý những vụ án dạng này từng thổ lộ: "Giá như mỗi người biết tôn trọng luật lệ giao thông hay chẳng may va chạm với nhau, chịu nhường nhịn nhau một chút, thay vì ngay lập tức buông lời mắng chửi, thách thức nhau thì đâu nên nỗi". Ngoài đường, chúng ta thấy, ngay cả những chị em xinh xắn khi "đụng xe" cũng sẵn sàng "tuôn trào" những lời lẽ chẳng mấy hay ho. Người ta thường ưa giận dữ hơn hiền lành, thích đổ tội cho người khác thay vì nghĩ xem mình có trách nhiệm đến đâu. Những kẻ gây án vì va chạm giao thông thường có "máu côn đồ", nhưng thực tế không phải người nào cũng như vậy. Ngay cả người bị hại do phản ứng thái quá cũng góp phần kích động không nhỏ. Người xưa nói "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (điều gì mình không muốn thì đừng làm với người khác", nhưng những vụ án xảy ra chủ yếu vì người ta làm ngược lại cái lẽ đơn giản này.
Một lý do dễ gây bức xúc các bên trong các va chạm loại này là người tham gia giao thông chưa tôn trọng luật cũng như tôn trọng người xung quanh. Bấm còi, rọi đèn, vượt ẩu, tạt đầu, lạng lách… đều là những hành vi dễ phát sinh hậu quả xấu. Các nhà tâm lý phân tích rằng, đối với người dễ tính và hiền lành thì dễ cho qua; đối với những người "máu nóng", họ sẽ tìm cách "dạy cho một bài học". Trên thực tế, nhiều vụ án mạng xảy ra chỉ vì người đi xe rọi đèn chiếu xa vào mắt người khác hay nẹt pô khó chịu mà không biết nói lời nhã nhặn. Tôn trọng luật giao thông và tôn trọng người khác sẽ giảm thiểu những vụ án đáng tiếc. Văn hóa giao thông, thực ra là văn hóa đời sống, văn hóa ứng xử mà mỗi người đều phải học và rèn luyện hằng ngày.
Năm ngoái, trong Tháng an toàn giao thông, người ta truyền đi một thông điệp "Chung tay xây dựng một xã hội giao thông an toàn, thân thiện". Cùng với đó là hàng loạt khẩu hiệu "kêu" không kém, nhưng hiệu quả lan tỏa thì chưa thấy đâu. Vài năm qua, văn hóa giao thông bắt đầu được chú trọng, nhưng chủ yếu vẫn theo thói quen kỳ cuộc, phát động xong rồi để đấy. Văn hóa giao thông vẫn là khái niệm xa lạ trên đường, khi vi phạm quy định an toàn giao thông diễn ra phổ biến. Nếu đổ lỗi cho người tham gia giao thông để văn hóa giao thông xuống cấp một thì lỗi của những cơ quan hữu trách để tình trạng giao thông quá tải, bất cập, hiệu lực pháp luật yếu kém cũng không kém. Vì vậy, dù "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng vẫn phải nói thêm rằng: Xây dựng văn hóa giao thông không phải chỉ bằng tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, rộng khắp, mà trong tình hình văn hóa xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, càng phải bằng sức mạnh của luật pháp, đồng thời là nâng cấp hạ tầng giao thông và tăng cường trình độ, hiệu quả quản lý. Đây là việc khó, cần làm thường xuyên, cần đột phá mạnh mẽ thay vì những cuộc phát động cho xong việc như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.