(HNM) - Để nắm bắt được tình hình cơ sở, trong xây dựng quy chế làm việc, các cấp ủy thường giao nhiệm vụ cho từng đồng chí ủy viên thường vụ, cấp ủy viên phụ trách cụm, yêu cầu hằng tháng phải đi cơ sở, dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư, nhất là những nơi tiềm ẩn vấn đề phức tạp.


Quy định là vậy nhưng trên thực tế không phải ai cũng tuân thủ. Do nhiều việc, nào là hội nghị, hội họp, chưa xong cuộc nọ đã tới cuộc kia; hết họp ở địa phương lại tới hội nghị của huyện, thành phố. Rồi tiếp khách, gặp mặt, giải quyết công việc... toàn những việc "quốc gia đại sự" khiến cán bộ không còn thời gian xuống cơ sở để nắm tình hình. Tuy nhiên, cũng có đồng chí ý thức được trách nhiệm của mình phải xuống cơ sở, nhưng lại gặp vị cán bộ địa phương cũng mắc bệnh xa dân, "làm láo, báo cáo hay", kết cục là không nắm bắt đúng thực chất tình hình, diễn biến các vụ việc phát sinh ngay từ ban đầu để có biện pháp kịp thời xử lý; cũng không biết người dân đang cần gì, mong muốn gì ở người lãnh đạo, các cấp chính quyền để có quyết sách hợp lý.

Hậu quả của sự xa dân, thiếu kiểm tra, giám sát, quá tin vào báo cáo của cơ sở dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, cấp ủy, chính quyền không nắm được tình hình, nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân diễn biến phức tạp, không được xử lý kịp thời, trở thành "điểm nóng", như câu chuyện người dân hai thôn cùng một xã tranh chấp đất đai; hàng loạt công trình xây dựng trái phép, sai phép ngang nhiên giữa phố phường... Cá biệt, vì sự "xa dân" của cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương mà suýt nữa cả một di tích cấp quốc gia bị "làm mới". Ấy là mới chỉ điểm qua một vài vụ việc mà dư luận gần đây phản ánh. Trên thực tế, còn nhiều việc gây hậu quả nghiêm trọng chỉ vì căn bệnh xa dân, thiếu sâu sát cơ sở.

Vậy tại sao căn bệnh xa dân trở nên phổ biến trong cán bộ?

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo về sự nguy hại của bệnh quan liêu, xa dân trong cán bộ và chính quyền. Người chỉ rõ nguyên nhân của bệnh quan liêu là do cán bộ, chính quyền xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không thương yêu nhân dân. Cũng chính vì xa nhân dân nên không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Phương thuốc trị căn bệnh này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân; phải thật thà tự phê bình và phê bình; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng để được dân tin, dân phục, dân yêu. Đó cũng chính là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xa dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.