(HNM) - Nằm ở vùng cửa ngõ phía nam Kinh thành, Đại Áng (Thanh Trì) là một xã nghèo, ruộng đất chiêm trũng, canh tác khó khăn. Mặc dù vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại Áng
Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Oai cho biết: Thay đổi lớn lao nhất là công cuộc thủy lợi hóa, biến đồng ruộng Đại Áng từ "chiêm khê mùa thối" thành "bờ xôi ruộng mật", mở đường hình thành những trang trại kinh tế làm giàu cho nông dân. Ngoài phát triển nông nghiệp, người dân Đại Áng còn đưa vào nhiều nghề mới như dệt may xuất khẩu và hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tiên trên địa bàn xã như Công ty TNHH Dệt may xuất nhập khẩu Vĩnh Trung Hưng; doanh nghiệp tư nhân Sông Thương… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Đời sống của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đã đạt 18 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh sự năng động trong phát triển kinh tế, xã Đại Áng còn lưu giữ truyền thống hiếu học; đặc biệt là làng khoa bảng Nguyệt Áng với 11 tiến sĩ và trạng nguyên. Phát huy truyền thống ông cha, hằng năm nhân dân đóng góp 60-70 triệu đồng vào quỹ khuyến học và tổ chức trao thưởng cho các cháu đỗ đại học, tốt nghiệp các trường đại học (mỗi năm có trên 20 cháu đỗ đại học chính quy). Ngoài quỹ khuyến học của xã, các thôn và dòng họ cũng có quỹ khuyến học từ 50-80 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Oai cho biết, năm 2010, được chọn là xã điểm của thành phố xây dựng NTM, với xuất phát điểm thấp, lúc đó chỉ có 5 tiêu chí đạt, nhưng đến nay Đại Áng đã có 15/19 tiêu chí đạt; 4 tiêu chí còn lại đạt từ 40-80%. Thành công lớn nhất trong xây dựng NTM của Đại Áng là sự đồng thuận của người dân với phong trào hiến đất làm đường. Đến nay, 3km các tuyến đường trục ở 4 thôn, kinh phí 12 tỷ đồng đã hoàn thành, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 20%. Ngoài ra, 6,3km đường ngõ xóm với kinh phí hơn 40 tỷ đồng cũng đang gấp rút hoàn thành, trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm 40%. Tiêu biểu cho phong trào huy động sức dân là thôn Vĩnh Thịnh và thôn Vĩnh Trung, nhân dân thôn Vĩnh Thịnh đóng góp hơn 3 tỷ đồng, Vĩnh Trung gần 1 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động. Có hộ dân còn hiến tới 582m2 đất nông nghiệp, 145m2 đất thổ cư để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Đến nay, đường làng ngõ xóm ở Đại Áng đã được mở rộng, xe buýt về tận nơi.
Ông Nguyễn Bá Ky, Trưởng thôn Vĩnh Thịnh nói, thành quả đầu tiên của NTM là công trình nhà văn hóa thôn nằm trên khuôn viên 2.000m2 được đưa vào sử dụng. Để có đất xây dựng nhà văn hóa, thôn đã vận động 8 hộ tự nguyện hiến 700m2 đất. Ngoài ra, nhân dân trong thôn còn đóng góp trên 1 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng đường làng ngõ xóm… Ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn Vĩnh Trung, người đã hiến 200m2 đất cho biết: "Xây dựng NTM là cho chính dân mình hưởng lợi nên tôi sẵn sàng hiến đất để công trình sớm được hoàn thành. Gia đình tôi coi đây là sự đóng góp một phần nhỏ bé để làng quê đẹp hơn. Không ai ngờ Đại Áng thay đổi kỳ diệu đến thế, từ vùng quê nghèo khó, đến nay nhiều công trình xây dựng được hoàn thành, mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế địa phương".
Để hoàn thành tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM, thời gian qua xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất canh tác. Là vùng trũng nên Đại Áng tập trung khai thác thế mạnh nuôi trồng thủy sản (NTTS), xây dựng khu NTTS kết hợp du lịch sinh thái diện tích 67ha cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha; đồng thời tiếp tục mở rộng dự án NTTS thêm 74,4ha. Ngoài ra, còn có các mô hình trồng hoa, cây cảnh, nấm tại thôn Vĩnh Trung, Vĩnh Thịnh với diện tích 11ha; trồng 3ha chuối tiêu hồng tại thôn Đại Áng. Đại Áng đang vững bước tiến lên, nỗ lực xây dựng xã giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.