Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên): Giàu nhưng vẫn khổ

Thu Hằng| 27/11/2011 07:41

(HNM) - So với các xã, thị trấn, Chuyên Mỹ là một trong những xã giàu của huyện Phú Xuyên. Cả xã hiện có trên 60% số hộ thuộc diện khá giả; số hộ nghèo chỉ còn 5,1%. Thế nhưng một nghịch lý đang diễn ra ở đây là dân rất giàu nhưng đời sống sinh hoạt vẫn khổ, bởi lẽ nhiều năm nay họ phải đối mặt với ô nhiễm môi trường cả về không khí và nguồn nước.

Xã nghề Chuyên Mỹ - xã ô nhiễm.


Chuyên MỸ từ lâu nổi tiếng là xã nghề truyền thống khảm trai. Xã có 7 làng thì cả 7 làng được công nhận làng nghề khảm trai, sơn mài, chế biến nguyên liệu khảm... Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Lư cho biết, hiện có gần 80% số hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), kinh doanh, dịch vụ với thu nhập cao (bình quân 30 triệu đồng/năm/lao động làm nghề). Nghề TTCN phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển của nghề TTCN đã làm cho môi trường nơi đây ô nhiễm nghiêm trọng. Toàn bộ lượng nước thải, khí thải, bụi từ sản xuất được xả thẳng ra môi trường. Không chỉ sống chung với ô nhiễm do làng nghề gây ra, gần 10 nghìn nhân khẩu trong xã đã và đang phải hứng chịu ô nhiễm do dòng sông Nhuệ chảy dọc xã với chiều dài gần 7km gây nên.

Đến thôn Thượng, thôn có 80% hộ dân làm nguyên liệu khảm trai, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi chứng kiến cảnh ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải. Tiếng xoèn xoẹt từ hàng trăm máy cắt, máy mài trai phát ra từ các cơ sở sản xuất làm inh tai, nhức óc. Hệ thống kênh thoát nước của thôn đều trắng nước thải và chất thải. Để sản phẩm khảm trai bóng hơn, màu sắc đẹp hơn, người ta phải ngâm trai trong một số hóa chất đặc biệt. Dùng xong, nước hóa chất được đổ trực tiếp ra sông. "Chúng tôi cũng biết làm như vậy là có hại nhưng không còn cách nào, đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm. Hầu hết các hộ làm nghề đã căng bạt để hạn chế lượng bụi phát tán ra môi trường nhưng vẫn không chắn được bao nhiêu. Mỗi ngày, một máy cắt trai thải ra khoảng 4-5m3 nước thải" - ông Vũ Văn Tiêu, chủ hộ sản xuất nguyên liệu khảm tại thôn Thượng cho biết. Tại khu sản xuất của gia đình ông Tiêu, toàn bộ cây cối xung quanh, mái nhà, sân... đều phủ một lớp bụi trai trắng xóa, chất thải sản xuất chất thành từng đống.

Các thôn khác cũng ô nhiễm không kém. Ông Nguyễn Đức Lư cho biết, ở các thôn làm nghề sản xuất đồ gỗ, sơn mài, các hộ còn sử dụng sơn, dầu bóng nên hằng ngày thải ra môi trường lượng khí thải độc lớn, đó là chưa kể lượng bụi gỗ độc (chủ yếu là gỗ lim, gỗ trắc) từ các cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn thải ra. Trong khi ô nhiễm môi trường bủa vây tứ bề thì người dân nơi đây vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Theo UBND xã, 100% số hộ trong xã đã sử dụng giếng khoan sâu từ 20-50m. Toàn bộ nước giếng khoan khi bơm lên đều có màu trắng đục, mùi tanh, vị mặn. Qua kiểm định chất lượng nước hằng năm, nước giếng khoan tại đây đều nhiễm asen ở mức cao khiến người dân rất lo lắng.

Sống chung với ô nhiễm, số người mắc các bệnh tiêu hóa, hô hấp tăng lên từng năm. Thống kê của Trạm y tế xã cho thấy, mỗi tháng có khoảng 300 người tới khám bệnh. Loại bệnh chủ yếu mà người dân Chuyên Mỹ mắc là nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột, bệnh phụ khoa, ký sinh trùng đường ruột… Theo nhận định của Trạm y tế xã, nguyên nhân khiến số người mắc bệnh tăng là do môi trường không khí ô nhiễm nặng và ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ.

Nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm do sản xuất làng nghề gây ra, thời gian qua xã Chuyên Mỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường; tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, chất thải làng nghề ra khu xử lý tập trung. Xã cũng đang triển khai quy hoạch Cụm công nghiệp làng nghề quy mô 30ha để quy tụ tất cả các cơ sở sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm. Mong mỏi lớn nhất của người dân Chuyên Mỹ bây giờ đó là Chính phủ, TP Hà Nội sớm có kế hoạch cải tạo, làm sống lại dòng sông Nhuệ để người dân không phải chịu đựng cảnh ô nhiễm do sông này gây nên; đầu tư xây dựng cho xã một trạm cấp nước sạch tập trung. Có như vậy, người dân Chuyên Mỹ mới có thể thoát khỏi cảnh giàu nhưng vẫn khổ như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên): Giàu nhưng vẫn khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.