Theo dõi Báo Hànộimới trên

WB: Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục chống chịu tốt trước đại dịch Covid-19

Hoàng Linh| 14/12/2021 12:23

(HNMO) - Ngày 14-12, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô nước ta tháng 12-2021, trong đó đánh giá tích cực về tình hình nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Báo cáo cho rằng, mặc dù số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng trong tháng 11, nhưng chiến dịch tiêm vắc xin được đẩy nhanh đã giúp tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm giảm xuống. Đây là tiền đề quan trọng để tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện. 

Cụ thể, báo cáo đánh giá cao việc sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt trước những làn sóng khó khăn do dịch bệnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% trong tháng 11 (so với tháng 10) và vượt mức cùng kỳ năm 2020, một phần nhờ các hoạt động kinh tế được khôi phục ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng 13,3%. 

Các ngành hàng năng động nhất là sản xuất, chế biến thực phẩm, thuốc lá, dệt may, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại, với tốc độ tăng trưởng hai con số. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cũng tăng trưởng tốt ở mức 8,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 trong tháng 11, tương đương tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung bình, cho thấy cải thiện về tình hình kinh tế. 

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục 31,9 tỷ USD, giúp thặng dư cán cân thương mại được duy trì tháng thứ hai liên tiếp. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký phục hồi, tăng 71,2% trong tháng 11 so với tháng 10, tập trung ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. 

Đáng chú ý, sau 2 tháng giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,3% trong tháng 11, phản ánh chi phí nhóm giao thông tăng cao do giá nhiên liệu tăng. Lạm phát tăng nhẹ như vậy cũng do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi và chi phí hậu cần (logistic) tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, WB khuyến nghị, việc duy trì chính sách “sống chung với Covid-19” sẽ đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng, cả về tiêm vắc xin, giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế. WB cho rằng cần phải có các hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân và giúp nền kinh tế trong nước phục hồi, trong đó một hướng đi cần thiết là cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. 

Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021 của Việt Nam, báo cáo của WB cũng nêu một phương án chính sách khác có thể cân nhắc là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
WB: Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục chống chịu tốt trước đại dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.