Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt qua “căn bệnh” của mùa đông

Thanh Phong| 13/12/2015 08:12

Thời tiết mùa đông lạnh giá khiến nhiều học sinh (HS) mắc


Em Nguyễn Thị Xuân (Lớp 7A, Trường THCS Định Công):

- Mỗi buổi sáng sớm, em chỉ muốn cuộn tròn trong chăn ấm ngủ thêm một lúc. Thế nên, cứ đến mùa đông là em hay đi học muộn. Có lần trời lạnh quá, em đã tỉnh giấc nhưng muốn “ngủ nướng” vài phút nữa, ai ngờ ngủ quên luôn, đến khi vội vàng dậy chuẩn bị đi học thì đã muộn 20 phút. Khi em đến lớp đã thấy cô giáo đang kiểm tra miệng 15 phút, các bạn đang ôn lại bài, cảm giác lúc ấy thật xấu hổ. Đó là chưa kể, do em đi học muộn nên lớp bị trừ điểm thi đua, các bạn chê trách. Do đó, để tránh tái diễn tình trạng đi học muộn, em thường đặt báo thức sớm hơn trước khoảng 10-15 phút. Em cố gắng tập thói quen đã tỉnh giấc thì phải dậy ngay và chuẩn bị sách vở, quần áo từ tối hôm trước.

Em Vũ Minh Quân (Lớp 9D, Trường THCS Mai Dịch):

- Vào mùa đông, em thấy các bạn hay đi học muộn hơn và có vẻ cũng... lười học hơn. Đợt này đang chuẩn bị thi học kỳ I nên nhiều khi chúng em phải ôn bài đến tận khuya. Nhưng lúc đó, trời lạnh, đôi bàn tay buốt giá, học bài cũng khó vào hơn. Nhiều lúc đang học mà em buồn ngủ díp cả mắt, chỉ muốn nhanh chóng chui vào chăn ấm. Để vượt qua “bệnh” lười, em thấy tốt nhất là nên giữ ấm cơ thể, chịu khó vận động, chứ chui trong chăn lại càng lười hơn, không tập trung ôn bài được. Trước khi học bài, em sẽ mặc quần áo, đi tất, có thể thực hiện vài động tác thể dục cho ấm người, uống một cốc nước ấm, ngồi vào bàn học sẽ dễ tập trung hơn.

Cô Nguyễn Thu Thủy (Phụ huynh HS, Khu đô thị mới Pháp Vân, Hà Nội):

- Không cứ gì các em HS, ngay cả với người lớn, đồng hồ sinh học của con người vào mùa đông cũng chậm chạp hơn. Mọi người có xu hướng lười nhác, lười vận động vào mùa đông hơn, nhanh cảm thấy đói, rét, không muốn làm việc gì. Do đó, chuyện các em đi học muộn, lười vận động, ngại thức khuya để học bài cũng khó tránh. Đây lại là thời điểm HS chuẩn bị ôn tập thi học kỳ, khối lượng bài vở nhiều hơn, các phụ huynh nên nhắc nhở con mình sắp xếp thời gian, tối lạnh không nên thức quá khuya để học bài bởi sáng ra dễ dậy muộn. Tốt nhất là nên học từ sớm, ngủ sớm.

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến khả năng giữ nhiệt của cơ thể. Mùa đông, trẻ cần nhiều năng lượng hơn nên bữa ăn cũng cần phong phú, nhiều chất hơn, bố mẹ nhắc con “ăn chín, uống sôi”, không nên ăn thức ăn, uống nước lạnh, rất dễ ốm và viêm họng. Nên mặc đủ ấm, phòng học của con cần kín gió, ấm áp, có như thế trẻ mới dễ dàng vượt qua “bệnh” lười.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua “căn bệnh” của mùa đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.