Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt lên nỗi đau da cam

Phú Cường| 09/08/2021 19:29

(HNMO) - Nhìn lại 60 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), không khó để nhận thấy, cùng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng, không ít người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin đã vượt lên nỗi đau để dựng xây cuộc sống. Và họ trở thành những tấm gương sáng về tinh thần, nghị lực vươn lên.

Nạn nhân chất độc da cam được nuôi dưỡng lâu dài tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội tham gia lao động trị liệu.

Luôn hướng về phía trước

Một trong những tấm gương điển hình của người không chịu khuất phục số phận, nhiều người biết đến là anh Chu Quang Đức, giáo viên Trường Trung học phổ thông Mê Linh (huyện Mê Linh). Theo lời kể, Chu Quang Đức sinh năm 1984, trong một gia đình thuần nông ở thôn Thượng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), không may bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố là ông Chu Quang Chiến, từng tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Mặc dù sức khỏe yếu, chỉ cao 1,1m, nặng gần 30kg, chân, tay teo, phải làm bạn với chiếc xe lăn, song từ nhỏ, Chu Quang Đức luôn vững vàng nghị lực vươn lên. “Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải hướng về phía trước, không được lùi. Lùi là đầu hàng số phận”, anh Đức nói.

Sự nỗ lực của bản thân cùng với sự động viên, hỗ trợ của người thân trở thành sức mạnh giúp anh Chu Quang Đức vững vàng hướng về phía trước. Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2010, anh Đức trở thành giáo viên dạy môn tin học của Trường Trung học phổ thông Mê Linh. Hơn 10 năm gắn bó với mái trường này, thầy giáo Đức luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, được trò kính trọng, đồng nghiệp quý mến. Em Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 11A6, Trường Trung học phổ thông Mê Linh chia sẻ: “Ngoài kiến thức phổ thông, chúng em luôn được thầy Đức giảng dạy cho những điều hay, lẽ phải, biết chia sẻ, yêu thương, trân trọng cuộc sống”.

Trường hợp khác thuộc thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin là anh Đặng Trịnh Bộ, sinh năm 1980, ở thôn Quất Động, xã Quất Động (huyện Thường Tín). Dù bước đi khó nhọc do lưng bị còng gập, hằng ngày, anh Bộ vẫn chăm chỉ tham gia lao động bằng công việc vận chuyển hàng hóa trên chiếc xe ba bánh và nuôi dưỡng ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo. Sự nỗ lực của anh Bộ được đền đáp xứng đáng bằng cuộc sống vui vẻ bên người vợ biết cảm thông, hai con ngoan ngoãn, có nguồn thu nhập đều đặn...

Xúc động không kém là câu chuyện về những “chiến sĩ” làm kinh tế giỏi, góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp, văn minh. Đó là ông Kiều Duy Thân, sinh năm 1952, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng (huyện Mê Linh). Rời quân ngũ trở về địa phương vào năm 1979, ông Thân vừa làm nhiều công việc khác nhau, vừa tích cực làm việc thiện. Những năm vừa qua, ông đã giúp đỡ về nhiều mặt cho các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho gần 40 con em gia đình chính sách. Với phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Kiều Duy Thân đã hiến hơn 40m2 đất mặt đường, trị giá 600 triệu đồng để xây dựng đường giao thông tại quê hương...

Chia sẻ về hội viên tích cực, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mê Linh Nguyễn Văn Ninh cho biết: “Ông Kiều Duy Thân và nhiều nạn nhân chất độc da cam khác trên địa bàn huyện Mê Linh vượt khó vươn lên giúp chúng ta thấy rõ một điều, càng trong khó khăn, tinh thần quả cảm của những chiến sĩ năm xưa càng phát huy mạnh mẽ”.

Ngoài những dẫn chứng đã nêu, Hà Nội còn nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt lên số phận như ông Cao Xuân Oanh, xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ), với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng; ông Trần Ngọc Khánh, xã Yên Bài (huyện Ba Vì), với mô hình bán thức ăn chăn nuôi, mang lại thu nhập cao...

Hết lòng trợ giúp nạn nhân

Trên hành trình vượt lên nỗi đau, hướng về phía trước của nạn nhân chất độc da cam luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, trực tiếp là những người ở gần, tiếp xúc với nạn nhân. Có thể kể đến bà Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) - nơi nuôi dưỡng thường xuyên hơn 100 nạn nhân chất độc da cam. Nhiều năm qua, hằng tháng, bà Hằng trích một phần tiền lương mua nguyên liệu để về dạy cho những nạn nhân còn khả năng nhận thức làm các loại bánh đơn giản, nấu ăn, gọt hoa quả… Việc làm này góp phần hỗ trợ cải thiện sức khỏe, phát triển nhận thức...

Cùng ở Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ chăm sóc nạn nhân nam (Phòng Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng) thường xuyên “ba cùng” (ăn, ở, sinh hoạt) với nạn nhân để có thể hiểu rõ từng người. Từ đó, ông Thuấn đưa ra nhiều sáng kiến nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, tiện ích cho đối tượng; đồng thời đề xuất những giải pháp hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng đạt hiệu quả tích cực… Thông qua những việc làm giản dị mà hữu ích, bà Phạm Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Thuấn nhiều lần được các cơ quan chức năng biểu dương, khen thưởng...

Ngoài cộng đồng cũng xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân hết lòng với nạn nhân chất độc da cam. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), ông Phùng Khắc Nga không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến các gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn để động viên, tìm hướng giúp đỡ. Nhận được sự quan tâm này, cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Thân, xóm Vao, xã Yên Bình, có 4 người con là nạn nhân vơi dần nỗi đau, bớt khó khăn...  

Cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Thân, xóm Vao, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), có 4 người con là nạn nhân chất độc da cam vơi dần nỗi đau, bớt khó khăn...

Cảm động không kém là chuyện về Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Hoàng Mai Hoàng Thanh Phú khi ông là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, phải nuôi dưỡng người con bị khuyết tật do chất độc da cam, nhưng vẫn tích cực giúp đỡ những người đồng cảnh. Trong quá trình tham gia công tác hội từ năm năm 2014 đến nay, ông Phú quan tâm mở rộng mạng lưới cơ sở hội, phát triển hội viên, giúp họ có nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sống. Để duy trì sinh hoạt hội, ông Phú vận động những người cùng chí hướng tham gia, với quan điểm “Làm việc vì nghĩa tình đồng đội, không suy tính thiệt hơn về vật chất, còn sức là còn làm”. Với hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ông Phú tích cực vận động, huy động nguồn lực xã hội để trợ giúp. Đến nay, quận Hoàng Mai cơ bản không còn hộ gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo...

Nỗi đau mang tên da cam vẫn còn nặng nề, dai dẳng. Song, với sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng, sự nỗ lực vươn lên của nạn nhân và gia đình, nỗi đau ít nhiều sẽ vơi dần theo năm tháng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên nỗi đau da cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.