Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt lên bất đồng

Thùy Dương| 27/01/2011 07:02

(HNM) - Lần thứ 2 trong nhiệm kỳ của mình, ngày 26-1 vừa qua (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội và toàn thể nhân dân Mỹ. Lời kêu gọi cùng vượt lên những bất đồng, cùng hy sinh để chiến thắng trong tương lai - nét chủ đạo trong thông điệp - của nhà lãnh đạo nước Mỹ được xem là bước đi hướng tới cuộc tranh cử nhiệm kỳ 2 trong năm tới.

Tổng thống Obama đọc Thông điệp Liên bang tại Quốc hội, hôm qua 26/1 (giờ Việt Nam)

Cải tổ hệ thống y tế, giảm thâm hụt ngân sách, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thị trường nhà đất, tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tại Iraq và đạt tiến bộ tại cuộc chiến ở Afghanistan là những vấn đề được nhấn mạnh trong thông điệp lần này của người đứng đầu nước Mỹ. Đặc biệt kế hoạch đóng băng ngân sách trong 5 năm đặng cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm tiết kiệm khoảng 400 tỷ USD cho ngân sách quốc gia trong vòng 10 năm tới đã lần đầu tiên xuất hiện trước Quốc hội Mỹ nhân dịp này; đồng thời phát đi tín hiệu về bước chuyển chính sách từ ổn định kinh tế ngắn hạn sang tăng trưởng lâu dài của nước Mỹ.

Đến nay Tổng thống B.Obama đã đi được nửa chặng đường của nhiệm kỳ đầu tiên với nhiều thành tựu quan trọng và cả những thất bại đáng nhớ. Về thành tựu, sau hai năm cầm quyền của ông B.Obama, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại nhưng vẫn còn yếu ớt, nước Mỹ đã có một đạo luật y tế mới, 1,1 triệu việc làm đã được tạo ra... nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao (khoảng 9%). Nguy cơ "bóng ma" của cuộc khủng hoảng vẫn hiện hữu và nợ công của Mỹ lần đầu tiên vượt quá con số 14.000 tỷ USD, gần chạm "trần" 14.294 tỷ USD, đẩy số nợ mỗi công dân Mỹ phải cõng trên lưng lên tới 4,53 nghìn USD... Khó khăn bao vây nước Mỹ đã khiến Hạ viện Mỹ đang từ tay của đảng Dân chủ mà Tổng thống B.Obama là thành viên lọt vào tay người Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ (11-2010). Đây có lẽ là thất bại đáng nhớ của người đứng đầu nước Mỹ sau nửa nhiệm kỳ.

Bên cạnh các vấn đề đối nội, Tổng thống Obama cũng gặp không ít khó khăn trong các chính sách đối ngoại khi các nỗ lực bảo đảm an ninh ở Iraq, Afghanistan… đang bị thách thức. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chính sách đối ngoại hiếm khi được nhấn mạnh trong Thông điệp liên bang đã được Tổng thống Mỹ B.Obama dành ưu tiên thích đáng.

Tuy những khó khăn bộn bề đang thách thức, nhưng người Mỹ không thể không hài lòng trước những thay đổi về chính sách đối nội của Tổng thống B.Obama thời gian qua khi cùng đảng Cộng hòa vừa chiếm quyền kiểm soát Hạ viện vượt lên những bất đồng để tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế của đất nước. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đang đối mặt hiện không phải là sự đối đầu giữa Dân chủ và Cộng hòa mà là những thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thị trường lao động và công nghiệp. Rõ ràng, bằng Thông điệp liên bang, người đứng đầu nước Mỹ cho thấy, ông đã kịp bẻ lái sau hai năm tại vị trước khi cơn sóng dữ ập tới. Cú bẻ lái đã mở ra thỏa thuận từng gây tranh cãi giữa những người Dân chủ và Cộng hòa trong lĩnh vực cắt giảm thuế cho những người giàu nhất nước Mỹ xuống 2% và cắt giảm ngân sách liên bang như đề xuất của đảng Cộng hòa. Hơn nữa, cuộc "thay máu" giữa kỳ nhóm cố vấn kinh tế chủ chốt với việc bổ nhiệm và đề cử các cố vấn kinh tế cấp cao mới vừa diễn ra ngay trong dịp Thông điệp liên bang được phát đi, Tổng thống B.Obama đã cho người dân Mỹ thấy sự cần thiết của một bộ máy điều hành đủ mạnh để đưa nền kinh tế đất nước nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà phát triển cân bằng và bền vững hơn. Một tin vui vừa đến với vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ trong cuộc thăm dò công bố vào ngày 20-1 vừa qua. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ B.Obama lần đầu tiên vượt quá 50% kể từ giữa năm 2009 đến nay.

Không còn nhiều thời gian cho cuộc chạy đua tái cử, năm 2011 sẽ là chặng quyết định sự thành bại của một tổng thống. Thông điệp liên bang đã phát đi cam kết hết sức mạnh mẽ và đầy quyết tâm của Tổng thống B.Obama trước những vấn đề đối nội cũng như toàn cầu mà nước Mỹ đang đối mặt; nhưng hành động của người đứng đầu nước Mỹ mới là điều mà người dân Mỹ trông đợi. "Sức khỏe" của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ quyết định tất cả. Trong 2 năm tới, nếu kinh tế Mỹ chuyển biến tích cực chắc chắn sẽ tạo đà lớn cho cuộc tái tranh cử thành công với đương kim Tổng thống B.Obama. Vì vậy, để có một chiến thắng trong tương lai như tinh thần chủ đạo của Thông điệp liên bang, Tổng thống B.Obama chỉ còn một lựa chọn là nỗ lực mà thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.