Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt khó, nông dân Hà Nội kiếm tiền tỷ

Sơn Tùng| 04/09/2021 07:53

(HNMO) - Mặc dù đối diện với dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn nhưng thời gian qua, nhiều nông dân Hà Nội đã tìm tòi, tổ chức lại sản xuất, đưa cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, biến những vùng đất cằn, hoang hóa thành đất canh tác cho giá trị cao.

Mô hình trang trại chăn nuôi gà trắng, cho thu nhập tiền tỷ của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tập ở xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ).

Vượt khó làm giàu

Chủ động, sáng tạo trong tư duy phát triển kinh tế, sẵn sàng giúp đỡ, tạo việc làm cho những lao động khó khăn có thu nhập ổn định, tích cực tham gia các phong trào của địa phương… là những lời nhận xét trìu mến của đông đảo bà con thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) khi nói về anh Nguyễn Văn Tập (sinh năm 1973), hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu nhiều năm liền của xã.

Chia sẻ về những ngày đầu lập nghiệp, anh Tập cho biết, năm 2002, anh đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà trắng tại khu vực quy hoạch của xã, quy mô 6.000 con/lứa. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, cùng với đó là tác động của giá cả thị trường không ổn định, các hộ xung quanh cũng đầu tư xây dựng trang trại, mật độ trang trại tăng; dịch bệnh liên tiếp xảy ra, việc chăn nuôi của gia đình gặp vô vàn khó khăn, có lứa gà, anh Tập thua lỗ hàng trăm triệu đồng…

Tuy nhiên, với sự kiên trì, ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, ham học hỏi, cần cù, chịu khó, anh Tập dần khắc phục được các "lỗ hổng" trong chăn nuôi, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài trang trại ở địa phương, đến nay, anh Tập còn thuê đất và xây thêm được 10 trang trại để chăn nuôi gà ở xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ), xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn và xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). Với quy trình chăn nuôi khép kín hiện đại, mật độ 160.000 con/lứa, các trang trại của anh Tập đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập ổn định 7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều năm liền, anh Tập được huyện, thành phố tặng thưởng danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2020, anh Tập đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Mô hình chăn nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình anh Đặng Đình Tiến ở xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ).

Cũng trên mảnh đất Chương Mỹ, anh Đặng Đình Tiến ở thôn 3, xã Đại Yên là nông dân thuộc thế hệ 7x, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh làm đủ nghề với mong muốn phát triển kinh tế gia đình.

Qua tìm hiểu, biết đà điểu dễ nuôi lại cho hiệu quả kinh tế cao, rồi cơ duyên được người bạn giới thiệu, chỉ dẫn, nhận thấy đây là loại vật nuôi có tiềm năng lớn, năm 2017, anh quyết tâm "đánh liều" nuôi đà điểu. Vợ chồng anh đấu thầu hơn 1 mẫu ruộng kém hiệu quả của địa phương, rồi cải tạo, gây dựng trang trại…

Nhớ lại khi mới khởi nghiệp, anh Tiến tâm sự: "Gia đình khó khăn, vốn liếng không có, vợ chồng tôi vay mượn dồn lực cải tạo khu đất, xây dựng chuồng trại nuôi đà điểu thương phẩm. Năm đầu tiên, tôi chỉ dám mua 50 con đà điểu giống về nuôi thử".

Tận dụng diện tích trang trại, anh Tiến khoanh vùng nuôi thêm 2.000 con gà thịt, chim bồ câu... Qua 3 năm trực tiếp chăn thả đà điểu, hiện nay, trang trại của anh có 210 con đà điểu, hơn 2.000 chim bồ câu, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Mạnh Khang cho biết, trên địa bàn Chương Mỹ còn có hàng nghìn nông dân vượt khó trong sản xuất, vươn lên làm giàu như anh Tập, anh Tiến. Những nông dân điển hình tiên tiến trong vượt khó làm giàu đều chung một điểm: Có được kinh tế ổn định như ngày hôm nay, họ và gia đình đã cố gắng không ngừng trong lao động, sản xuất để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô trang trại.

Đặc biệt, họ mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Họ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt với nhiều hội viên nông dân ở địa phương, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, luôn gương mẫu trong các phong trào của địa phương và công tác thiện nguyện như: Tặng quà cho người cao tuổi trong thôn; tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Những nông dân điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Chương Mỹ đóng góp công sức, kinh phí cho phong trào chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Không những vậy, trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, những nông dân giỏi, tiên tiến trên địa bàn huyện đã đóng góp hàng chục tấn nông sản an toàn ủng hộ tuyến đầu chống dịch; góp công sức, thực phẩm cùng các hội viên nông dân khác tình nguyện nấu hàng nghìn suất ăn tặng tuyến đầu chống dịch.

Điển hình, dịp Quốc khánh 2-9, hội viên nông dân trên địa bàn đã trao tặng 107 suất quà hỗ trợ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị gần 30 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến khẳng định, những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn không chỉ tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết gắn bó, ý thức tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo của giai cấp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong khó khăn, dịch bệnh, nông dân luôn là lực lượng tiên phong tham gia công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Các mô hình kinh tế nông nghiệp tốt còn là "bệ đỡ" để các địa phương ổn định đời sống nông thôn trong tình hình hiện nay.

Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học, kỹ thuật..., khuyến khích nhân rộng nhằm lan tỏa nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vượt khó, nông dân Hà Nội kiếm tiền tỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.