Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vương quốc Bỉ: Ma trận chưa có lối thoát

Vân Khanh| 11/07/2011 07:00

(HNM) - Mâu thuẫn khó giải giữa hai cộng đồng nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp từng đốn ngã không ít chính phủ tại Bỉ trong quá khứ, đang tiếp tục dập vùi các nỗ lực thành lập một chính phủ đã vắng bóng suốt 13 tháng qua ở xứ sở Sôcôla.

Người dân Bỉ xuống đường biểu tình tại thủ đô Brussels phản đối tình trạng bế tắc trong việc lập chính phủ mới.


Niềm hy vọng ít ỏi thoát khỏi tình trạng "chân không" chính trị ở thủ phủ của châu Âu sẽ được hóa giải bằng một cuộc tổng tuyển cử sớm lại tắt ngấm khi thủ lĩnh đảng Xã hội (PS) Elio Di Rupo, đại diện cho những người Bỉ nói tiếng Pháp cuối tuần qua vừa thẳng thừng bác bỏ đề án mà ông cho rằng chỉ làm mọi việc thêm rối tung. Sự cương quyết của người được Vua Albert II giao trọng trách lập chính phủ liên minh khiến dư luận Bỉ liên tưởng đến đề án cải cách chính trị do PS đề xuất nhằm phá vỡ bế tắc chính trị tại Bỉ hiện nay bị đối thủ Liên minh Flemish mới (N-VA) của cộng đồng nói tiếng Hà Lan phủ quyết vào ngày 7-7 vừa qua.

Kế hoạch cải cách của PS nhận được nhiều lời ngợi ca về sự cân bằng lợi ích giữa các cộng đồng ngôn ngữ Pháp và Hà Lan đã không làm hài lòng N-VA. Chủ tịch Bart De Wever của chính đảng lớn nhất nước Bỉ cho rằng, dự án của người đứng đầu PS chưa đạt đến giới hạn cân bằng quyền lực cho hai khu vực chính là vùng Flanders nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc và vùng Wallonia nói tiếng Pháp ở miền Nam. Ánh sáng hòa hợp vừa le lói đã vụt tắt khiến những cố gắng ngược xuôi đưa kinh đô của Cựu lục địa khỏi bóng tối của sự chia rẽ gay gắt trở về vị trí ban đầu.

Kết cục làm nản lòng người dân xứ sở Sôcôla của vòng đàm phán mới nhất chưa phác thảo được hình hài của tân chính phủ Bỉ; song nó lại khắc họa rõ hơn một thực tế đáng lo ngại là mối bất hòa giữa hai cộng đồng ngôn ngữ Hà Lan chiếm đa số và ngôn ngữ Pháp tại nước này đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết ngay trong lòng một châu Âu nhất thể hóa.

Mặc dù kể từ khi lập nước năm 1830 trên cơ sở 3 cộng đồng nói tiếng Hà Lan, Pháp và Đức, một sự đồng cảm thực sự giữa những người đồng bào khác ngữ ở Bỉ là vô cùng hiếm hoi. Các chính đảng đại diện cho các cộng đồng ngôn ngữ xem ra khó tìm được tiếng nói chung mà thường phải viện đến một sứ giả do Quốc vương chỉ định để trao đổi mỗi khi bàn về cơ cấu hành pháp. Tuy nhiên, chưa khi nào tình trạng "ông chẳng, bà chuộc" lại nghiêm trọng đến thế kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 13-6 năm ngoái với N-VA chiếm ưu thế ở miền Bắc và PS thắng lợi ở miền Nam nhưng đều không đủ đa số cần thiết để thành lập chính phủ mới. Đã có tới 8 vị đại sứ hòa giải là các chính trị gia kỳ cựu phải vào cuộc nhưng đều tay trắng ra đi. Mọi kết nối đã trở nên vô hiệu khi vùng Flanders giàu có với công nghiệp thực phẩm và xe hơi quyết không gánh vác thêm nữa các chi phí cho khu vực Wallonia nghèo khó hơn. Xu thế đường ai nấy đi này đang đẩy Vương quốc Bỉ vào nguy cơ tan đàn sẻ nghé. Không những cộng đồng ngôn ngữ Hà Lan ấp ủ về một quốc gia riêng mà những người nói tiếng Pháp cũng bắt đầu nhen nhóm ý tưởng độc lập. Trong khi chủ nghĩa dân tộc có phần thái quá đang chi phối các quyết định của những chính đảng tại Bỉ thì màn tỉ thí "quyền lực" qua ngôn ngữ đã kịp lấy đi không ít cơ hội phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của quốc gia gần 11 triệu dân. Vì chính phủ treo, vương quốc Sôcôla không thể thông qua chương trình cắt giảm ngân sách để đối phó với mức thâm hụt đã lên đến 96% GDP; đồng thời chẳng thể mở bất kỳ cơ quan ngoại giao hay thiết lập quan hệ với một quốc gia nào trên thế giới...

Một hậu trường chính trị được cho là phức tạp nhất châu Âu đang thu hẹp lựa chọn để Brussels có thể vượt lên hố ngăn cách. Không gì bảo đảm một cuộc bầu cử mới có thể thay đổi tình thế hiện nay khi số người nói tiếng Hà Lan luôn chiếm khoảng 60% dân số. Nước Bỉ như đang trong một ma trận mà mọi lối thoát vẫn đang bị bịt kín bởi ngôn ngữ bất đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vương quốc Bỉ: Ma trận chưa có lối thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.