Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vương quốc Anh: Khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa “hạ nhiệt”

Thùy Dương| 29/04/2023 07:18

(HNM) - Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày càng nhiều người dân Vương quốc Anh - một trong những quốc gia giàu nhất thế giới phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các ngân hàng thực phẩm. Hóa đơn năng lượng tăng cao, suy thoái kinh tế kéo dài và tăng trưởng đầu tư kém được cho là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế dài hạn của Vương quốc Anh.

Ngân hàng thực phẩm Trussell Trust tại Streatham, phía Nam London (Anh).

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang phơi bày mức độ nghiêm trọng của tình trạng nghèo lương thực ở Anh. Hàng triệu người đang bị đẩy xuống dưới ngưỡng thu nhập khi giá lương thực tăng cao, trong đó nhiều người phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình. Trong thông báo đưa ra ngày 26-4, Trussell Trust, mạng lưới ngân hàng thực phẩm lớn nhất nước Anh, với hơn 1.300 trung tâm phân phát thực phẩm trên cả nước, cho biết trong một năm tính đến tháng 3-2023, số gói thực phẩm khẩn cấp mà tổ chức từ thiện này phân phát đã tăng 37%, lên mức kỷ lục 3 triệu gói. Con số này thậm chí tăng hơn gấp đôi so với lượng thực phẩm mà các ngân hàng phân phát hằng năm trong 5 năm trước.

Đáng chú ý, có tới 760.000 người lần đầu tiên tìm kiếm sự giúp đỡ của các ngân hàng thực phẩm trong mạng lưới của Trussell Trust, tăng 38% so với năm trước đó. Cũng trong khoảng thời gian này, hơn 1 triệu trẻ em ở Anh phải nhận viện trợ lương thực, tăng 300.000 em so với 1 năm trước đó. Trussell Trust cho biết, nhu cầu đối với các ngân hàng thực phẩm “vượt xa số tiền quyên góp mà họ đã nhận được”, nghĩa là các ngân hàng phải tự mua thêm thực phẩm. Cứ năm người được giới thiệu đến ngân hàng thực phẩm trong mạng lưới Trussell Trust thì có một người đến từ các hộ gia đình lao động. 

Điều này dẫn đến việc các ngân hàng thực phẩm phải thay đổi thời gian mở cửa để mọi người có thể đến nhận thực phẩm ngoài giờ làm việc. Theo Emma Revie, Giám đốc điều hành của Trussell Trust, các ngân hàng thực phẩm được thành lập để cung cấp hỗ trợ ngắn hạn cho những người trong trường hợp khẩn cấp nhưng đã trở thành tiêu chuẩn cho những người lao động được trả lương thấp và những người nhận trợ cấp.

Số liệu chính thức của Anh công bố hôm 19-4 cho thấy, lạm phát trong tháng 3-2023 đã giảm nhẹ so với tháng 2 nhưng vẫn ở trên mức 10%. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn gây khó khăn cho cuộc sống người dân Anh, dù hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ được áp dụng. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 vừa qua tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,4% của tháng 2. Tuy nhiên, giá các mặt hàng thực phẩm và đồ uống không cồn trong tháng 3 tăng tới 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8-1977. Trong khi đó, lạm phát hàng tạp hóa trong tháng 4 là 17,3%. Các số liệu được đưa ra khi Vương quốc Anh, thành viên của G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới) - đang phải vật lộn với đợt tăng giá mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.

Người Anh đã bị áp lực bởi lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương của hầu hết người lao động. Tháng trước, giới chuyên gia tư vấn chính sách của Chính phủ Anh khẳng định, trong hai năm qua, các hộ gia đình nước này sống trong cảnh "thắt lưng buộc bụng" eo hẹp nhất kể từ những năm 50 của thế kỷ trước, thời điểm bắt đầu thống kê. Chính phủ đã cố gắng hạn chế tác động của lạm phát đối với các hộ gia đình thông qua việc cung cấp hỗ trợ về hóa đơn năng lượng và các khoản thanh toán chi phí sinh hoạt, bao gồm 900 bảng Anh cho các hộ gia đình hưởng trợ cấp vừa đủ vào năm 2023-2024.

Tuy nhiên, bà Emma Revie nhấn mạnh, số gói thực phẩm phân phát không ngừng tăng trong 5 năm qua phản ánh thu nhập và an sinh xã hội đang ở mức thấp, không đáp ứng được yêu cầu, khiến nhiều người cần đến ngân hàng thực phẩm. Do đó, bà kêu gọi Chính phủ Anh tăng phúc lợi xã hội lên mức phù hợp để giúp người dân trang trải các chi phí cần thiết của cuộc sống.

Lạm phát cao, hiện ở mức trên 10%, dự kiến sẽ kéo dài do Vương quốc Anh hoạt động kém hơn hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác. Trong một đánh giá ảm đạm về cuộc khủng hoảng kinh tế, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) cho biết, các biện pháp thắt chặt chi tiêu công sẽ xóa sạch mức tăng trưởng trong 8 năm trước đó và đưa nước Anh trở lại mức của năm 2014 vào năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vương quốc Anh: Khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa “hạ nhiệt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.