Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Linh Chi| 23/03/2017 07:01

(HNM) - Hà Nội là một trong 2 địa phương thí điểm việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, sau hơn một năm nỗ lực, các cấp Công đoàn thành phố mới chuyển Tòa án nhân dân hồ sơ khởi kiện 23 doanh nghiệp, nhưng chưa vụ nào được đưa ra xét xử do còn nhiều vướng mắc.

Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân.Ảnh: Viết Thành


Việc khó

Là đơn vị được LĐLĐ thành phố giao thí điểm khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay LĐLĐ quận Đống Đa đã tiếp nhận tài liệu, hoàn thiện, gửi hồ sơ đến Tòa án nhân dân (TAND) khởi kiện 5 đơn vị, gồm: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam (nợ hơn 1,95 tỷ đồng); Công ty TNHH Thiết bị Quang Quân (hơn 274 triệu đồng); Công ty CP Tài nguyên (hơn 136 triệu đồng); Công ty Tư vấn xây dựng và kỹ thuật môi trường (hơn 2,1 tỷ đồng) và Công ty CP Xây lắp dầu khí Hà Nội (hơn 6,6 tỷ đồng).

Theo Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa Nguyễn Khương Anh, khởi kiện DN nợ BHXH là việc rất khó. Cán bộ công đoàn cơ sở (đại diện cho quyền lợi người lao động) hiện đang trực tiếp lĩnh lương của chủ DN, khó có thể đứng đơn khởi kiện ông chủ của mình. Công đoàn cấp trên cơ sở (LĐLĐ quận) chỉ có thể khởi kiện DN khi tập thể người lao động ủy quyền. Trong điều kiện hiện nay, người lao động không thể biết chủ DN nợ BHXH từ bao giờ. Thêm nữa, họ đang lĩnh lương của chủ nên suy nghĩ, khi mình khởi kiện hoặc ủy quyền khởi kiện không biết có đòi được không mà có thể bị mất việc làm.

LĐLĐ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng phải đối mặt với thực trạng này.

Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Thanh cho biết, đơn vị đang ra “tối hậu thư” tới các DN nợ BHXH với số lượng lớn, thời gian dài, với hy vọng họ sẽ tự nguyện hoàn thành nghĩa vụ. Quận Hoàn Kiếm chọn một DN có số nợ BHXH lớn (khoảng 2,5 tỷ đồng) để tiến hành khởi kiện. Sau khi nhận thông báo, DN này đã có văn bản cam kết lộ trình thanh toán nợ (ít nhất 100 triệu đồng/tháng) và đã trả được 800 triệu đồng...

Tương tự, sau khi nhận thông báo của LĐLĐ quận Đống Đa sẽ bị khởi kiện, Công ty TNHH một thành viên Xây lắp hóa chất đã có văn bản cam kết lộ trình thanh toán nợ BHXH. Từ số tiền nợ ban đầu 2,448 tỷ đồng (cuối tháng 7-2016), công ty đã khắc phục còn 1 tỷ đồng (tính đến 27-2-2017) và cam kết thanh toán xong trong tháng 3-2017.

Lựa chọn đơn vị đại diện khởi kiện

Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), tổ chức Công đoàn được phép khởi kiện các DN nợ đọng BHXH, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng, trong 8 DN LĐLĐ thành phố ra thông báo khởi kiện thì đến nay mới có 4 DN trả hơn 4,6 tỷ đồng và cam kết hoàn thành trong năm 2017; 4 DN còn lại đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, quy trình, chưa chuyển hồ sơ tới tòa án.

Theo LĐLĐ TP Hà Nội, hiện có hơn 31.000 DN nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số 2.220 tỷ đồng. Trong đó, 15.500 DN nợ hơn 3 tháng với số tiền 1.710 tỷ đồng; 15.890 DN nợ dưới 3 tháng với số tiền 510 tỷ đồng.


Đối với LĐLĐ cấp quận, huyện, thị xã cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH, TAND cùng cấp tiếp nhận 123 hồ sơ DN nợ đọng số tiền lớn, kéo dài để thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định, trong đó đã chuyển tòa án khởi kiện 23 DN.

Những con số nêu trên cho thấy, việc khởi kiện DN nợ đọng BHXH còn nhiều gian nan. Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ thành phố Tạ Văn Dưỡng cho biết, quá trình triển khai thực hiện công tác này đã bộc lộ không ít vướng mắc. Theo quy định, thẩm quyền khởi kiện nhiều vụ việc thuộc về Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (DN chưa có tổ chức Công đoàn). Tuy nhiên năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện được.

Trong khi đó, chưa có văn bản pháp luật, hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để Công đoàn cơ sở có thể đại diện khởi kiện ra tòa án. Hơn nữa, quy trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể rất phức tạp, thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện của TAND không thống nhất, thời gian thụ lý kéo dài...

Nhiều cán bộ công đoàn kiến nghị, TAND Tối cao xem xét, sớm ban hành hướng dẫn quy định cụ thể về thẩm quyền, quy trình, thủ tục để Công đoàn khởi kiện tranh chấp lao động ra tòa; cần có cơ chế cho tổ chức Công đoàn được lựa chọn đơn vị đại diện khởi kiện; tiếp tục huy động ngành BHXH tham gia tố tụng như trước đây. Có như vậy, việc bảo đảm quyền lợi người lao động mới nhanh chóng thực hiện như mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.