Ngày 28-3, tại cuộc họp báo về kết quả cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2018 và giải pháp đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2019, đại diện Bộ Tài chính đã nêu các nguyên nhân khiến kết quả cổ phần hoá đạt tiến độ khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, thời gian qua, cơ quan này đã làm được nhiều việc, như: Ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) việc xác định giá trị DN để cổ phần hoá (CPH); việc quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH DN; việc cơ cấu lại các DN không đủ điều kiện CPH... Các cơ chế chính sách sau khi ban hành ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng. |
Trong năm 2018, đã có 23 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó, nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng; đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng.
Lũy kế giai đoạn 2016-2018, đã có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Năm 2018 đã có 28 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu, với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch, giai đoạn 2017-2020 phải CPH 127 DN, trong đó, năm 2018 mới có 23 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH (kế hoạch là 64 DN), như vậy sẽ dồn áp lực sang năm 2019. Theo kế hoạch năm 2019, phải CPH 18 DN, năm 2020 phải CPH 1 DN, cộng với số hơn 40 DN phải CPH trong năm 2018 dồn sang, nghĩa là còn hơn 60 DN phải CPH đến hết năm 2020.
Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, tiến độ triển khai CPH trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng DN phải thực hiện CPH lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
“Kết quả đạt được còn khá khiêm tốn, vì thời gian chúng ta đã đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả CPH mới thực hiện chưa được một nửa, làm còn chưa quyết liệt. Một nguyên nhân lớn nhất của việc chậm CPH là xử lý đất đai. Vì vậy, trong năm 2019, đây vẫn là vấn đề trọng tâm phải thực hiện” - ông Đặng Quyết Tiến nêu nguyên nhân.
Cục trưởng Đặng Quyết Tiến phân tích thêm, có DN vẫn lúng túng, các dự án đang thua lỗ thì thực hiện thoái vốn không dễ.
Đại diện Bộ Tài chính nêu các ví dụ như Tổng công ty Giấy Việt Nam, có nhà máy bột giấy Phương Nam, đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư nào mua. Còn với trường hợp Tổng công ty Thép Việt Nam, muốn thoái vốn ở dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán lại phải xử lý tồn tại tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
"Có doanh nghiệp không mặn mà, có doanh nghiệp nhà đầu tư không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng mắc", ông Đặng Quyết Tiến nói về nguyên nhân chậm trễ.
Về việc quy trách nhiệm, xử lý DN chậm trễ CPH, thoái vốn, niêm yết trên sàn chứng khoán; kết quả CPH, thoái vốn của DNNN trong quý I-2019, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hiện thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang phối hợp với Cục Tài chính DN thực hiện thanh, kiểm tra đối với một số đơn vị chậm lên sàn và sau khi có kết luận thanh tra sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo, trong năm 2019, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Trước khi định giá trị DN, các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, nhìn chung, cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn đã đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng...
Tuy nhiên, việc thực hiện và kết quả thế nào phụ thuộc vào người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Công việc còn nhiều, thời gian còn ngắn, theo ông Tiến, năm 2019 phải là năm hành động, nếu không có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì không hoàn thành được kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.