(HNM) - Tại khu tập thể Quân khu 3, Tổ dân phố 12, phường Quang Trung (Hà Đông) hiện vẫn còn khoảng 10 hộ dân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ), lý do các hộ không đồng tình với bản quy hoạch khi buộc họ phải cắt đến hàng chục mét vuông đất để làm đường đi chung.
Người dân chịu thiệt
Khu tập thể (KTT) Quân khu 3 thuộc Tổ dân phố 12, phường Quang Trung trước đây là đất quốc phòng, do Quân khu 3 quản lý. Trước năm 1990, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình đã cấp đất ở cho một số cán bộ. Đầu những năm 2000, Quân khu 3 đã bàn giao đất ở KTT cho địa phương quản lý. Để cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong KTT, các cơ quan chức năng phải lập bản đồ quy hoạch chi tiết. Theo đó, nhiều hộ phải cắt đất ở của gia đình để làm đường, kênh thoát nước. Với những gia đình bị mất ít đất và phù hợp, đồng ý với quy hoạch, nay đã được cấp sổ đỏ, còn những hộ không đồng ý với quy hoạch thì đến nay vẫn chưa được cấp. Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Quốc Hùng ở ngõ 6, KTT này.
Một phần đất thổ cư của hộ ông Nguyễn Quốc Hùng đã bị quy hoạch làm đường đi và rãnh thoát nước. |
Được biết, thửa đất của hộ ông Hùng đang sử dụng do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình cấp cho ông Nguyễn Thượng Trung (bố đẻ ông Hùng) năm 1989, diện tích 243m2. Đến năm 1998, gia đình ông tự nguyện góp 29m2 đất để mở đường đi trong KTT nên thửa đất còn 214m2. Sau khi chuyển nhượng một phần đất, thửa đất của hộ ông Hùng còn 106m2, thế nhưng khi xin cấp sổ đỏ thì UBND phường Quang Trung cho biết gia đình chỉ được cấp 74m2. Lý do, phải cắt lại 32m2 để làm đường đi và kênh thoát nước theo quy hoạch. Không đồng ý vì bị mất quá nhiều đất, ông Hùng đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng hỏi về bản quy hoạch trên, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đáng nói, từ nhiều năm nay ông Hùng vẫn nộp thuế sử dụng đất trên diện tích 106m2; toàn bộ phần đất của hộ ông Hùng đã bị quy hoạch làm đường đi, kênh thoát nước đã xây dựng công trình.
Tìm hiểu thực tế tại KTT, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hộ cũng chung tình cảnh như hộ ông Hùng. Đơn cử, gia đình ông Lê Bầu cũng bị trừ lại 38m2 để làm đường đi chung, trong khi đó hằng năm gia đình ông vẫn nộp thuế sử dụng đất toàn bộ diện tích đất được cấp. Gần đó, gia đình ông Trần Gia An cũng bị bản quy hoạch "xén" vào đất được cấp mất 29m2, mặc dù trên phần đất này đã có công trình xây dựng trước khi KTT được quy hoạch rất lâu…
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, không ít hộ dân trong KTT đã không đồng tình với bản quy hoạch chi tiết của KTT, nhưng không biết phải đi đến đâu, gõ cửa cơ quan nào để được giải quyết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng bức xúc: Khi tôi lên UBND phường Quang Trung nộp đơn, cán bộ địa chính hướng dẫn đến Tổng Công ty Quản lý nhà Bộ Quốc phòng hỏi (đây là đơn vị lưu trữ hồ sơ của KTT-PV). Khi đến đó, cán bộ phòng kinh doanh của Tổng Công ty lại hướng dẫn về Bộ Tư lệnh Thủ đô và phường. Tôi lại gửi đơn lên Bộ Tư lệnh Thủ đô thì nhận được trả lời không quản lý hồ sơ KTT, đề nghị liên hệ với chính quyền địa phương. Trở lại phường Quang Trung, lần này đại diện UBND phường lại hướng dẫn tôi đến Sở Xây dựng Hà Nội để xin điều chỉnh quy hoạch… Nếu cứ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng không biết tôi phải đi lại bao nhiêu lần nữa mới được giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung Đào Diệu Chung cho biết: Các hộ gia đình ở KTT Quân khu 3 được giao đất trái thẩm quyền. Năm 2006, Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn đã lập bản đồ quy hoạch chi tiết, làm căn cứ để cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Sau khi lập quy hoạch, nhiều hộ dân trong KTT phải cắt đất để làm đường đi chung. Đến nay, việc cấp sổ đỏ cho các hộ trong KTT vẫn căn cứ vào bản quy hoạch đó. Việc các hộ đề nghị được cấp đủ diện tích đất không thuộc thẩm quyền UBND phường, nếu cơ quan chức năng điều chỉnh quy hoạch thì UBND phường mới xem xét nguyện vọng cấp đủ diện tích đất cho họ…
Tìm hiểu hồ sơ do UBND phường Quang Trung cung cấp, phóng viên nhận thấy bản đồ quy hoạch chi tiết KTT do Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn lập năm 2006 duy nhất chỉ có một con dấu và chữ ký của chính đơn vị đo vẽ, phần ký xác nhận của chính quyền sở tại và các phòng, ban chuyên môn của UBND quận Hà Đông, Sở Xây dựng… đến nay vẫn để trống. Song, trong trích lục bản đồ KTT để làm căn cứ cấp sổ đỏ (lập năm 2007) thì lại có đầy đủ dấu xác nhận của cơ quan hữu quan. Sự thiếu đồng bộ này đã khiến một số người dân cho rằng bản quy hoạch chi tiết KTT thiếu tính pháp lý nên việc cắt quá nhiều đất của các hộ dân để làm đường đi là không phù hợp (?).
Quy hoạch đường đi, kênh thoát nước đủ rộng, đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch phải bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.
Đề nghị UBND phường Quang Trung, UBND quận Hà Đông công khai quy hoạch và đối thoại cùng khu dân cư để tháo gỡ những khó khăn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.