Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững vàng “đi trước mở đường”

Lương Ninh Giang| 11/10/2019 09:21

(HNMO) - Từ “vốn liếng” ít ỏi là cây cầu Long Biên và tuyến đường sắt nội đô dùng cho tàu điện do người Pháp xây dựng và để lại, nhiều thập kỷ qua, “bức tranh” giao thông Thủ đô đã không ngừng có thêm những gam màu sáng, ngày càng khẳng định được vai trò “đi trước mở đường”. Những tuyến đường, cây cầu, sân bay... quy mô hiện đại được xây dựng đã góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao vị thế của Hà Nội - "Thành phố Vì hòa bình"...

 Từ “vốn liếng” ít ỏi

“Ký ức của các cụ về giao thông Thủ đô ngày trước như thế nào?” là câu hỏi được phóng viên đặt ra với rất nhiều người trong quá trình thực hiện bài viết này. Phần đông đều có chung câu trả lời, ấn tượng sâu đậm là có cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng dành cho cả đường sắt và đường bộ cùng những tuyến tàu điện leng keng từ Bờ Hồ đi Thụy Khuê, Bưởi, Chợ Mơ và xa nhất là xuống Hà Đông. Đó đều là những công trình được người Pháp xây dựng. Thời ấy đường sá thưa vắng, mà cũng ít đường lắm, chỉ ở khu vực trung tâm là đường nhựa, còn ra xa hơn một chút phần nhiều là đường đất...

Tìm thêm tư liệu về giao thông Hà Nội giai đoạn từ sau ngày giải phóng Thủ đô đến những năm 1990, kết quả cũng không có nhiều. Trong những tư liệu mà nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (nguyên phóng viên Báo Hànộimới) sưu tầm được, thì vào năm 1960, Hà Nội chỉ có 3 nơi có đèn giao thông là ngã năm Cửa Nam, ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài. Năm 1963, Hà Nội có thêm hệ thống đèn tín hiệu ở ngã tư Tràng Thi, Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Khi Mỹ đánh bom Hà Nội, người dân đi sơ tán, thành phố vắng người nên các đèn tín hiệu này không hoạt động. Đến giai đoạn sau năm 1975, số ô tô, xe máy, xe đạp tăng nhanh, nên thành phố mới lắp thêm nhiều đèn tín hiệu tại các ngã ba, ngã tư.

Con sông Hồng chảy giữa Thủ đô dài và rộng thế, nhưng cho đến tận đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có duy nhất cây cầu Long Biên. Cầu Thăng Long được chuyên gia Liên Xô (cũ) thực hiện từ năm 1979 đến năm 1985 mới hoàn thành. Cũng trong giai đoạn này, vào ngày 10-10-1983, cũng đúng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, cầu Chương Dương được khởi công cho đến ngày 30-6-1985 cầu Chương Dương được khánh thành, đưa vào khai thác. Đây là cây cầu lớn đầu tiên được thiết kế và thi công không cần sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài.

Đó là ký ức của những người già. Với những người trẻ hơn thì sao? Anh Nguyễn Văn Long, một Việt kiều đang sống ở Canada (cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ) trong lần về thăm Hà Nội mới đây đã không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của Thủ đô. "Vào năm 1993, những sinh viên lứa sinh năm 1974-1975 chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đạp xe từ ký túc xá Mễ Trì len lỏi qua những cánh đồng, con mương (nay là trục đường Vành đai 3, Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng) để sang ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội 1 ở quận Cầu Giấy hiện nay đá bóng. Giai đoạn 1993-1994, đường Chùa Bộc, đường Tây Sơn hẹp lắm, dọc hai bên đường có nhiều ruộng rau muống... !" - anh Nguyễn Văn Long nhớ lại.

Bước phát triển vượt bậc

Trong hơn hai thập kỷ qua, Thủ đô đã không ngừng được mở rộng và phát triển. Diện mạo Thủ đô ngày càng đồng bộ, hiện đại, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của ngành Giao thông - Vận tải, luôn giữ vững vai trò "đi trước mở đường".

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chia sẻ, trong các giai đoạn vừa qua, đặc biệt là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. Đáng chú ý là 6 tuyến cao tốc kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội là trung tâm; là cụm công trình giao thông kiểu mẫu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - đường Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân; là hàng loạt tuyến đường xuyên tâm; các đoạn tuyến vành đai 1, 2, 3 và 3,5... góp phần kết nối và dần khép kín hệ thống giao thông thông suốt... Từ cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu lớn, như các cầu: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh...

Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, mạng lưới xe buýt đã không ngừng được đầu tư, đến nay đã vươn tới 30 quận, huyện, thị xã với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Không chỉ có xe buýt, thành phố đã có xe buýt nhanh - BRT. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang làm các công tác chuẩn bị để sớm tiếp nhận, đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, đồng thời tập trung triển khai các tuyến đường sắt đô thị khác theo quy hoạch.

"Bức tranh" giao thông Thủ đô đã có thêm những gam màu sáng, nhưng thách thức vẫn còn rất lớn. Tình trạng gia tăng phương tiện theo cấp số nhân, ùn tắc diễn biến phức tạp, hệ thống giao thông tĩnh vừa thiếu, vừa yếu... Tất cả những thách thức này đều đã sớm được các ngành chức năng nhận diện để đưa ra được các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục, để giao thông Thủ đô ngày càng phát triển bền vững. Bên cạnh việc tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thành phố sẽ quyết liệt triển khai chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn; triển khai thu phí phương tiện giao thông vào các khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô... Tất cả nhằm tạo dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm với vị thế "Thành phố Vì hòa bình".                              

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững vàng “đi trước mở đường”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.