(HNM) - Ngày 25-9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TƯ ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết 37).
Triển khai Nghị quyết 37, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách về tạo việc làm, dạy nghề, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo phù hợp với đặc thù của khu vực này.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2005-2020, ngân sách trung ương bố trí cho các tỉnh miền núi phía Bắc tổng kinh phí hơn 46.692 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Các ngành, đoàn thể, địa phương đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 3 triệu lượt người; quan tâm đào tạo nghề cho người lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực này tăng lên hơn 47% vào cuối năm 2018.
Thông qua nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc giảm nhanh, từ 38,72% vào cuối năm 2005, xuống còn 15,82% vào cuối năm 2018. Toàn khu vực có 7 huyện đã thoát nghèo, 72 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm bình quân 1,5% số hộ nghèo mỗi năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc lên từ 70% đến 75% vào năm 2030, trong những năm tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt công tác trợ giúp xã hội và giảm nghèo; tập trung phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.