Quy hoạch

Thúc đẩy phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc

Hồng Sơn 24/05/2024 - 17:44

Ngày 24-5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3, tại Việt Trì (Phú Thọ) với sự tham gia của đại diện các tỉnh trong vùng.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng dự, chỉ đạo hội nghị.

quang-canh-hoi-nghi.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Ảnh: Anh Minh

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg (ngày 4-5-2024) phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thể hiện 8 chữ bằng "Bản sắc - Sinh thái - Liên kết - Hạnh phúc”. Quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan hữu quan đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch địa phương, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng vùng. Cùng với đó là trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của vùng; Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Mục tiêu là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 140 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 20-30% GRDP; có 805 số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2-3%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54-55%...

Qua đó, các cấp, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tập trung các nguồn lực, trí tuệ để hiện thực hóa mục tiêu nói trên.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, toàn vùng đã hoàn thành dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài -Lào Cai; nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ. Vùng đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng…

Tại hội nghị, đại diện địa phương và chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một số lĩnh vực cần nhận được sự hỗ trợ, ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện hoặc triển khai sớm như: Hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ theo trục dọc, ngang; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ để tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh nội vùng, tập trung vào thế mạnh của vùng và mỗi địa phương; tận dụng lợi thế địa lý nhằm phát triển kinh tế biên mậu và xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội vùng trên cơ sở bảo đảm sinh thái bền vững. Phát huy tính đa dạng sinh học, truyền thống lịch sử và cảnh quan độc đáo trong phát triển du lịch bền vững, nhấn mạnh bản sắc của vùng.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương trong bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan… thời gian qua. Thời gian tới, cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh cần chủ động trong nghiên cứu, có đề xuất phù hợp nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng cũng như mỗi địa phương một cách nhanh chóng, bền vững. Cần tăng cường mối liên kết chặt chẽ, hợp tác giữa các địa phương nội, ngoại vùng để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng và cơ hội. Phó Thủ tướng cũng gợi ý việc chủ động, đánh giá tính khả thi trong xây dựng và thực thi các dự án nhằm đạt kết quả cao nhất, bên cạnh việc chủ động thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.