Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng “đất lẻ”

Ghi chép của Nguyễn Trọng Hùng| 03/10/2010 06:08

(HNM) - Tôi ấn tượng mãi về lời kể của cô gái Dao Bàn Thị Thanh. Cô bảo, quê cháu ở vùng...


Ba thôn Vần Thượng, Quý Thắng, Ngòi Ngõa của xã Quý Quân lại tách riêng ra, nằm lẻ loi bên tả ngạn sông Gâm. Sang xã nhà phải qua sông, sang xã khác thì độc đạo, phải vượt đèo Quảng Giáo hai cây số mà dài dằng dặc. Dân Quý Quân thường dạy con cháu rằng, muốn nên người, ngày phải vượt sông hai ba bận, tuần phải vượt đèo vài ba lần...

Bình "lâm tặc"... "lột xác"


Dân xã Quý Quân vẫn luôn năng động tìm cách thoát nghèo.

Hẹn hò mãi rồi tôi cũng được ngược lên miền sơn cước không xa thành phố là mấy, chỉ hơn một giờ đi xe máy, nhưng vẫn còn là vùng "một ba lăm" khuất nẻo. Tôi chợt nhớ lời cô gái họ Bàn kể về bố mình, một cán bộ xã này. Cô bảo, bố cháu ngày xưa là lâm tặc, một lâm tặc khét tiếng.

Ông là Bàn Văn Bình, sinh năm 1964. Trước kia, người ta gọi ông là Bình "lâm tặc". Một thời, ông chuyên đi chặt cây phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Sinh ra trong một gia đình nghèo, 14 tuổi ông đã phải đi theo những người đàn ông lớn tuổi trong thôn vào rừng khai thác gỗ. Lúc đó nhà ai cũng nghèo. Thu nhập của gia đình chẳng có gì đáng kể, quanh năm đói, chỉ còn biết vào rừng, kiếm được gì bán nấy, cứ ra tiền là chặt phá hết. Dần dà, ông khôn hơn, vừa đi khai thác vừa đi thu mua mang về vùng xuôi bán...

Hơn mười năm trôi nổi với "nghề"... phá rừng, với bao khổ cực, lại luôn phải lẩn trốn sự kiểm soát của kiểm lâm, đi đêm về hôm, vậy mà ông cũng đâu có tiền. Những đồng tiền kiếm được từ bán gỗ, ông ăn hoang tiêu phí, còn lại nướng vào những ván bạc thâu đêm suốt sáng. Rồi của thiên cũng trả địa, cũng tan biến như bong bóng xà phòng. Không những không giàu mà gia đình ông còn ngày càng lún sâu vào nợ nần, khốn khó...

Một hôm, thấy bố vừa đi bán gỗ về, cô hớn hở reo lên: "Bố cho con năm nghìn đồng để ngày mai mua vở". Nhưng thật buồn, trong túi ông không còn một xu. Cô rơm rớm nước mắt im lặng bỏ đi...

Thế mà bây giờ, ông là chủ của một khu rừng 8ha keo và mỡ, một cán bộ gương mẫu được dân trong xóm, xã tin yêu, quý trọng. Theo lời Bàn Thị Thanh, chúng tôi tìm vào nhà ông, một nơi heo hút phía cuối rừng thuộc bản Vần Thượng. Đường quanh co, qua bao đoạn đầy ổ trâu, ổ bò, gập ghềnh xa hút. Đến đầu bản, từ trên cao nhìn xuống, một cánh rừng bạt ngàn, xanh mướt. Cây nối cây thẳng tắp "chạy" lên triền đồi. Nắng mùa này mà dã ngoại ở đó thì thật là tuyệt! Bàn Thị Thanh đã từng nói với tôi: "Tiếc rằng, cháu chẳng được lớn lên trong rừng ấy"...

Chuyện khá dài, tóm lại là, làm lâm tặc chán, đến năm 1993, Bình quyết bỏ "nghề", làm lại cuộc đời. Ông được chính quyền giao cho 5ha đất đồi, hai vợ chồng ông khai phá thêm 5ha đất hoang nữa. Gom góp và vay mượn người thân được 5 triệu đồng, ông dành mua cây giống, thuê nhân công cuốc hố trồng rừng. 5ha đất hoang mới khai phá, vợ chồng ông trồng hoa màu để "lấy ngắn nuôi dài". Những ngày đầu thật gian nan, vất vả nhưng thanh thản cho dù thời đi buôn gỗ còn để lại món nợ 30 triệu đồng. Vợ chồng ông đã không bỏ cuộc. Ông đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trồng hoa màu. Tích lũy được vốn, ông mua máy tuốt lúa vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ cho bà con trong thôn bản. Năm 2007, để thuận tiện cho việc chăn nuôi, ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 20 triệu đồng, mua ống bắc nước từ đầu nguồn về đến tận nhà, chấm dứt cảnh bao năm phải dậy sớm gánh nước từ tờ mờ sáng.

Qua nhiều năm cần cù đổ mồ hôi, giờ đây ông đã có một rừng mỡ 2ha 13 tuổi và 4ha rừng keo 7 tuổi. Năm 2009, gia đình ông tiếp tục trồng thêm 2ha rừng keo và chăn nuôi một đàn lợn 16 con, trong đó có 3 con lợn nái, mỗi năm xuất chuồng 6 đến 7 lứa lợn giống. Ông đã trả được hết nợ nần và đã sắm được đầy đủ vật dụng, tiện nghi sinh hoạt. Thu nhập từ chặt tỉa cây cộng với các nguồn thu nhập hoa màu, chăn nuôi, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu khoảng 40 triệu đồng. Năm 1994, ông vinh dự được bà con bầu làm trưởng thôn. Năm 1996, niềm vui quá lớn đã đến với ông: Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bình nói như tổng kết từ mình ra, muốn thoát nghèo thì không được phá rừng và phải nuôi con học hành tử tế. Cả ba thôn bản lẻ bên này nay không còn ai chặt gỗ phá rừng, không ai phát rừng làm nương rẫy. Mỗi hộ bình quân có khoảng hơn 2ha rừng trồng. Bình khoe, hạnh phúc nhất của ông là ba người con đều đã trưởng thành, trong đó hai người đang học đại học, cao đẳng.

Chuyện của ông già gốc làng Dương Liễu

Xã Quý Quân có 8 thôn, 5 thôn nằm bên kia - hữu ngạn sông Gâm. Vùng đất bán sơn địa này, dù bên này hay bên kia cũng cơ cực như nhau mà thôi. Cơ cực ở chỗ, đất gò đồi nhiều, ruộng ít. Ở sát sông nên mọi con suối, mùa khô đều trơ khấc, nước chẳng có, vụ đông hầu như "rang" đất với trời. Mọi con đường đều bụi hết biết. Khi mưa xuống, ruộng nương còn băng qua được chứ đường thì không thể! Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Cát, một lão nông tuổi gần sáu chục: "Đất này làm gì nên ăn?". Ông Cát thủng thẳng: "Chả có đất nào bạc, chả có dân nào lười... Cơ chế, chính sách có thể làm thay đổi tất cả"... Ông Cát sinh năm Nhâm Thìn (1952), tại làng Dương Liễu nổi tiếng đất Hà Tây xưa, Hà Nội nay. Theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới từ 1965, bạc đầu với đất, ông nghiệm ra vậy. Ông đã từng làm đội phó, đội trưởng, làm kế toán rồi phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp. Trước khi về hưu nhận chức bí thư chi bộ, trưởng thôn Quý Thắng (6-2008), ông có 7 năm liên tục làm phó chủ tịch UBND xã, tiền nhiệm của ông Bình. Nay cái chức trưởng thôn giao lại cho anh Nguyễn Anh Tuấn, ông chỉ còn giữ chân bí thư chi bộ. Ông bảo, ngay cái chuyện nước sinh hoạt, dân lo đủ sống đến ngày hôm nay đã đáng khen tặng huân chương, huy chương rồi. Thật khổ, giếng đào sâu hơn hai chục mét, tới ngang cả đáy sông, thế mà vẫn không có nước. Cái giếng nhà ông sâu 29m, mùa khô chỉ múc dăm lượt, gàu đã vập vào đáy.

Giọt nước giọt mật, nên dự án cấp nước sạch nông thôn cho khu này được dân đón nhận rất hỉ hả! Dự án lấy nước từ Khe Thần trên núi Lâm Trận. Tổng mức đầu tư 1 tỷ 123 triệu đồng, dân đóng góp công và 103 triệu đồng để xây dựng đường nhánh vào từng hộ gia đình. Công ty TNHH Việt Long thi công công trình đầu mối gồm đập thu nước đầu nguồn, bể lọc, bể chứa. Riêng đường ống chính dẫn nước về dài hơn 5.700m.

"Vùng "một ba lăm" mà điện lưới thế này, chắc diện nghèo cũng chẳng còn bao?" - tôi hỏi. Trưởng thôn cũ (ông Cát), trưởng thôn mới (anh Tuấn) đều chép miệng: "Điện ở đây mà không kèm theo "đóm", không phải là điện". Đây là câu chuyện dài về cái điều ông Cát nói: "Chả có dân nào lười". Năm 2007, năm mà gần như cả tỉnh Tuyên Quang người ta điện khí hóa, thì ba thôn này của Quý Quân vẫn... tù mù đèn dầu hỏa. Thế là họp chi bộ, họp dân, bàn nát nước cũng không có cách nào hơn mời nhà điện vào cuộc. Thôi thì, đằng nào cũng dân làm là chính! Mọi khâu kỹ thuật nhà điện lo, còn công và... tiền là của dân. Tính ra, mỗi hộ bình quân 5,2 triệu đồng để có đường trục 0,4kV, chưa kể kéo điện vào từng nhà. Ông Cát bảo, dân dù còn nghèo nhưng chẳng "so cò bẻ măng" với những nơi khác. Chỉ có điều, tối đến, điện cuối nguồn yếu, không xem tivi được. Mà giá điện thanh toán thường gấp đôi 5 thôn bên kia, phải 1.100-1.500 đồng/kWh. Nhiều nhà có tủ lạnh, quạt điện cũng như không đã đành, làm sao để đưa điện vào sản xuất, kinh doanh được?

Nhưng đó chưa phải là điều bức xúc nhất. "Người ta bảo liên kết bốn nhà, chứ tôi tính, có bao nhiêu "nhà" phải liên kết hết cả lại thì mới có thể giúp mấy anh "một ba lăm" thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, vươn lên khá giàu được". Ông nói, không đâu cơ cực như đây ở cái con đường. Nếu không cận giang, chắc chẳng có những xóm bản này. Nếu có thêm con đường tử tế thì dân đây cam đoan rút ra khỏi "một ba lăm" ngay. Tôi vừa đi qua đấy tôi cũng thấy được phần nào. Đồng nghiệp tôi luôn mồm nhắc tôi ngồi bình tĩnh để anh ta vi vu trườn trên "sống trâu", lao xuống "ổ voi". Lũ trẻ ở đây, thường chỉ học hết cấp hai rồi bỏ, mặc dầu ở Xuân Vân, cách thôn 9 cây số đã có trường cấp ba. Trưởng thôn Tuấn chỉ đứa con gái mặc áo đỏ vừa đi học về, nói nghe xót lòng: "Cả ba thôn có khoảng 20 cháu học cấp ba. Nhưng không mấy ai cho con gái đi học bán trú cả. Chả biết có nên cơm nên cháo gì không chứ chưa học xong phổ thông đã... ễnh bụng ra thì khổ. Còn nghèo không có tiền mua xe máy thì chịu, mà có thì con đường như thế, học hành thế nào cho yên tâm được?"...

Đừng quên miền đất khó!

Trả lời câu hỏi "làm gì để thoát nghèo", anh Tuấn kéo chúng tôi xuống thăm dãy chuồng lợn, thăm vườn cây ăn quả, thăm đồi tre mai ngàn ngạt suốt từ bờ sông lên... Có thể mường tượng toàn khu như thế này: Đất không bỏ hoang mà được sử dụng hiệu quả theo phương châm "đất nào cây nấy". Không đâu nhiều tre mai như ở đây, tre và chăn nuôi chính là cuộc sống của dân, nhà nào cũng trồng tre, nhà nào cũng nuôi lợn (cộng nấu rượu), hầu hết ở mức quy mô vừa. Mấy năm gần đây, một phần vườn đồi còn được khai thác để trồng bưởi, thứ bưởi Diễn đã được thuần hóa từ Soi Hà, Xuân Vân lên, có cảm giác như ngon ngọt hơn "quê cha đất tổ" của nó. Nhiều hộ người Dao đã sắm máy móc về chế biến nông sản, đặc biệt là làm bột sắn. Chả thế mà trong tổng số 63 hộ của thôn, nay còn 21 hộ nghèo, giảm được 30 hộ so với năm 2006.

Ông Cát nói: "Dân kinh tế mới chúng tôi gần như đã hoàn thành sứ mệnh của mình". Rồi ông chứng minh, bà con người Dao ở đây (chiếm đến hai phần ba tổng số hộ của ba bản) cũng giỏi thâm canh lúa, ngô, cũng đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, cũng kinh doanh, cho con cái học hành tiến bộ chẳng thua kém ai. Đất ruộng có hạn, như nhà ông (5 nhân khẩu) chỉ 3 sào, nhưng một năm cũng thu hoạch 1,5 tấn thóc. Bà con Kinh hay Dao đều làm như thế cả. Còn chăn nuôi, thường đều như nhà anh Tuấn, như nhà ông, dãy chuồng 5 ô, mỗi năm xuất ba lứa lợn, mỗi lứa ít cũng có 20 triệu đồng (lãi khoảng 30%). Nhưng cái khổ không phải tại mình không biết làm ăn, mà là ở 9 cây số đường từ Xuân Vân vào. Mùa mưa, trẻ con đi học phải lấy dây thừng quấn quanh lốp xe cho thêm độ ma sát, thế mà cũng chẳng đi nổi. Vô phúc xe trượt bánh xuống rãnh, xe đứng chẳng cần chân chống, đẩy đi không được, để đấy không xong. Đường không ra đường, mọi thứ hàng hóa đều thành của rẻ mạt. So với nơi khác, mỗi cân lợn hơi rẻ hơn 2.000 đồng. Cây tre, quả bưởi, củ sắn, con gà,... gì gì cũng cứ thế bớt đi. Riêng như nhà ông Cát, mỗi năm 3 tấn lợn hơi đã mất đứt 6 triệu đồng. Ba thôn này, 190 hộ, mỗi năm thua thiệt hàng tỷ đồng là cái chắc. Số tiền ấy đủ để nhiều nhà thoát nghèo rồi!

Trở về thành phố, một lần nữa qua đèo Quảng Giáo, nhiều đoạn ngồi sau xe máy tôi phải nhắm mắt, nín th ở. Ông Cát nói đúng, chỉ cần ra đến Xuân Vân coi như về đến tỉnh. Ông còn dặn tôi: "Bác ạ, bác nói với các "nhà" dưới đó là, đã thương thì thương cho chót. Đừng bỏ rơi vùng đất lẻ!". Chỉ một cây số lên, một cây số xuống, nhưng đèo Quảng Giáo là cả một khoảng cách giàu - nghèo!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng “đất lẻ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.