(HNM) - Hoài Đức là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng nông dân các xã vũng bãi ven Đáy vốn có nhiều kinh nghiệm, truyền thống thâm canh các loại cây ăn quả chất lượng cao.
Đất đai Hoài Đức rất thích hợp cho việc phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả. Các xã ven Đáy Hoài Đức như Tiền Yên, Đắc Sở, Đông La có phù sa màu mỡ, nước tưới quanh năm, thích hợp cho các loại cây có múi như cam, bưởi... Hiện Hoài Đức có hơn 4.000ha đất nông nghiệp thì có tới gần 1.000ha cây ăn quả các loại. Cùng với hệ thống giống cây ăn quả bản địa phong phú, người làm vườn Hoài Đức còn có nhiều kinh nghiệm ươm trồng, chiết ghép các giống cây ăn quả để cho ra những sản phẩm thơm ngon, màu sắc hấp dẫn, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến để cho ra trái mùa, thu hoạch rải vụ. Nhiều nhà vườn còn chú trọng áp dụng quy trình sản xuất an toàn để có sản phẩm sạch giúp cho thị trường cây ăn quả ở Hoài Đức thêm hút khách, sản phẩm tiêu thụ rất thuận lợi.
Qua khảo sát gần đây, Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện tới 10 nguồn gen bưởi địa phương dọc theo vùng sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức. Chỉ riêng xã Cát Quế đã phát hiện 3 dòng bưởi chín sớm chất lượng tốt, đặc biệt có dòng bưởi Quế Dương đang được sản xuất với quy mô thương mại gần 10ha. Theo chuyên gia nông nghiệp, một số nguồn gen quý này có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt và đặc biệt chín sớm, có thể bổ sung vào cơ cấu giống bưởi trong huyện Hoài Đức và Hà Nội nói chung. Hiện tại ở xã Cát Quế có một số cây đã hơn 45 năm tuổi mà vẫn cho quả đều. Năm 2010, mỗi sào trồng giống bưởi này cho năng suất từ 1,5 - 2 tấn quả/năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với các loại cây ăn quả truyền thống, những năm gần đây, Hoài Đức được biết đến là một trong những địa phương có diện tích phật thủ lớn nhất Hà Nội, cho giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Phật thủ là giống cây có nguồn gốc từ rừng do các hộ buôn hoa quả ở xã Đắc Sở đưa về trồng. Ban đầu, các hộ chỉ trồng ít, dần dần được nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa. Không như cây bưởi phải mất 4-5 năm mới cho thu hoạch, cây phật thủ phát triển nhanh, chỉ 2-3 năm là cho thu. Hơn nữa, phật thủ ra hoa, đậu quả quanh năm, nên người trồng tháng nào cũng có thu nhập. Do thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây cam và bưởi nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng phật thủ. Toàn xã Đắc Sở có hơn 100ha đất nông nghiệp thì có 75ha trồng cây ăn quả, chủ yếu tập trung ở vùng bãi ven sông Đáy, trong đó diện tích trồng phật thủ là 31ha. Ngoài đất canh tác tại chỗ, các hộ còn thuê thêm khoảng 20ha đất tại các xã lân cận để trồng cây ăn quả, trong đó có phật thủ. Cây cam Canh cũng đang phát triển mạnh ở Đắc Sở và cho giá trị cao. Chị Nguyễn Thị Thủy, một chủ vườn cho biết, với diện tích chưa đến 1ha trồng cam Canh, năm nào chị cũng thu được từ 800 triệu đồng trở lên, nhiều hộ đã thực sự làm giàu từ trồng cây ăn quả.
Những năm gần đây, Hoài Đức tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tổ chức lại sản xuất kinh tế vườn, cải tạo giống cây trồng, đi vào các loại cây ăn quả chất lượng cao. Thời gian qua, Hoài Đức đã không ngừng hỗ trợ nhà vườn thông qua các chương trình, hỗ trợ khuyến nông, quản lý chặt chẽ giống, kết hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho nhà vườn vay vốn đầu tư phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn. Ông Cao Văn Tuyến, Phó phòng Kinh tế huyện cho biết, huyện đang đầu tư hàng tỷ đồng để khôi phục các giống cây đặc sản trên địa bàn có nguy cơ mai một như bưởi đường Đông La, Cát Quế... Nếu đầu tư đúng mức, có thể tuyển chọn được nhiều cây đầu dòng. Qua thực tiễn sản xuất tại địa phương, Hoài Đức đang nỗ lực xây dựng được một bộ giống cây ăn quả ưu việt cho nông dân, nhất là ở các vùng đất bãi ven sông với các loại cây chủ lực như cam, bưởi, nhãn và phật thủ. Năm 2010 là một năm thắng lợi của nhiều chủ vườn trên địa bàn. Giá trị canh tác trên 1ha có thể lên tới 900 triệu đồng, cá biệt có hộ trồng phật thủ đạt 1 tỷ đồng/ha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.