Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững bước đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 07/11/2019 06:48

(HNM) - Sau cách mạng dân chủ tư sản tháng 2-1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản và một bên là các đại biểu công nhân và binh sĩ, đứng đầu là Xô-viết Pê-tơ-rô-grát. Trước tình hình đó, Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã xác định cách mạng Nga là chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tháng 4-1917, Lênin trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga.

Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết ngày 7-11-1917 tại điện Smolny ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông.

Đêm 24-10-1917, theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 6-11-1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Pê-tơ-rô-grát. Ngày 25-10-1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7-11-1917), các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở thủ đô, trừ Cung điện Mùa Đông và một vài nơi. Tới 2h10 rạng sáng 26-10-1917, Cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Pê-tơ-rô-grát đã kết thúc thắng lợi.

Ngày 25-10-1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7-11-1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Đây là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã xóa bỏ các giai cấp bóc lột tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp làm chủ xã hội; đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, là chủ nhân của đất nước. Cách mạng Tháng Mười thành công đã dẫn tới sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và mở ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, từ thế giới tư bản chủ nghĩa sang thế giới xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1].

Đúng như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã khích lệ, cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước, như: Ba Lan, Bungari, Cộng hòa dân chủ Đức, Hunggari, Anbani, Rumani, Mông Cổ, Triều Tiên, Cuba và Việt Nam đã tạo nên những tiền đề thực tế cho sự ra đời của một hệ thống xã hội mà trước đó chưa từng tồn tại trong lịch sử và chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra đời - hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Nó đã đóng vai trò chi phối đến nhiều quá trình quan trọng của thế giới hiện đại.

Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam đều bị dìm trong biển máu và thất bại vì không có một đường lối cứu nước đúng đắn. Giữa lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước đã tiếp thu được ánh sáng của cách mạng Tháng Mười. Đầu những năm 20 thế kỷ XX, khi nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người đã sớm nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!

Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Ngày 3-2-1930, Người đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hồng Kông và ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.

Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những kỳ tích vĩ đại trong thế kỷ XX và gần hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi Đảng ta có chưa đến 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Chấn động địa cầu”.

Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm trường kỳ, gian khổ, oanh liệt kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Pôn-pốt, Iêng-xa-ri.

Đó là thắng lợi của 33 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa nước ta từ nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch đã chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại. Có thể nói, chủ nghĩa xã hội hiện thực tạm thời lâm vào thoái trào nhưng sức sống của chủ nghĩa xã hội không hề bị lu mờ. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước vẫn tiếp tục phát triển và phong trào cánh tả phát triển mạnh mẽ ở một số nước Mỹ La tinh... Sự thoái trào đó không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội bị “tiêu vong”, giai cấp công nhân “mất vai trò lịch sử”, cũng không làm mất đi ý nghĩa phấn đấu và niềm tin vào tương lai xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Trái lại, giai cấp công nhân có thêm bài học sâu sắc như Lênin đã dạy: “Giành chính quyền đã khó nhưng giữ chính quyền lại càng khó hơn” và “Cách mạng phải biết tự bảo vệ và có sức mạnh bảo vệ”. Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, để lại những bài học sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam và thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình trên thế giới diễn ra mau lẹ, phức tạp và khó lường. Chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau cơn “động đất chính trị” xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết, kiên trì khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ Đại hội VI năm 1986, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã lựa chọn. Đảng đề ra phương châm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Trong những năm qua, bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, Đảng ta rất chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu Đảng ta không vững vàng về chính trị tư tưởng, không chặt chẽ về tổ chức, không thống nhất trong ý chí hành động, không trong sạch về đạo đức lối sống, không được nhân dân tin cậy và ủng hộ thì không thể nói đến tồn tại, đi lên và phát triển”.

Do có đường lối đúng đắn, sáng tạo vận dụng những bài học của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nên Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ kiên định đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo đó, trước hết cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, mà Đảng ta đã xác định, như: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; không ngừng học tập, nâng cao nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cùng với đó là tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công gắn với việc triển khai 3 Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 33-NQ/TƯ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.


[1] Hồ Chí Minh,  toàn tập (tập 15). NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 387.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập (tập 15). NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 30.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững bước đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.