(HNM) - Theo kế hoạch dự kiến, ngày 22-6 tới, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện thử nghiệm tuyến du lịch TP Hồ Chí Minh - Trường Sa. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xác định đây là chuyến đi nhằm rút kinh nghiệm, tạo tiền đề cho việc khai thác chính thức trong thời gian tới.
Du lịch Trường Sa không chỉ đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn là cách để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam (Ảnh: Sở Du lịch TPHCM) |
"Kéo" đảo xa về gần
Định cư tại Mỹ đã 27 năm (từ năm 1988) nhưng mọi thông tin về Việt Nam luôn được ông Etcetera Nguyễn (kiều bào Mỹ) theo dõi hằng ngày. Bởi thế, khi nghe thông tin TP Hồ Chí Minh dự kiến mở tuyến du lịch ra Trường Sa, ông Etcetera Nguyễn không giấu được xúc động. "Tôi may mắn được ra thăm Trường Sa 3 lần cùng với Đoàn kiều bào hàng chục nước trên thế giới. Mỗi lần như thế là một lần cho tôi những tâm trạng, một cảm xúc nguyên vẹn như mới lần đầu", ông Etcetera Nguyễn hồ hởi.
Theo ông Etcetera Nguyễn, thực tế, hiện nay, nói để đi Trường Sa rất khó khăn, vì mỗi năm còn quá ít chuyến để bà con được ra thăm Trường Sa, và cũng không phải ai ai cũng có điều kiện để đi. Thực tế, đối với kiều bào nước ngoài, mỗi lần đi cũng phải đăng ký cả năm trời, rồi phải được tuyển chọn qua các Tổng lãnh sự quán, chưa kể số lượng rất hạn chế. Vào tháng 4 vừa qua, chuyến đi của bà con kiều bào nước ngoài cũng chỉ khoảng 36 người đại diện cho 20 nước. Do đó, việc mở tuyến này là bước đột phá của chính quyền TP Hồ Chí Minh. Không chỉ đông đảo nhân dân trong nước mà bà con kiều bào nước ngoài cũng có điều kiện đi nhiều hơn. Từ đó, càng vun đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, trân trọng chủ quyền, vùng trời, vùng biển và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Là một trong những người được ra thăm Trường Sa thân yêu, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS.BS Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân ta về vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ không gì hay bằng việc đưa người dân được ra tận nơi và thăm Trường Sa để cảm nhận được hơi thở cuộc sống và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. "Tôi nghĩ chỉ qua lý thuyết thôi không đủ, cần phải đến tận nơi để cảm nhận sâu sắc hơn nữa về sự thiêng liêng của vùng chủ quyền nước ta. Tự hào hơn nữa khi thấy được những gian khổ của những người lính bảo vệ vùng đảo xa xôi", GS.TS.BS Trần Đông A chia sẻ.
Là người ấp ủ ý tưởng này từ nhiều năm trước, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương UB MTTQ Việt Nam không giấu nổi niềm vui bộc bạch: "Khoảng 3 năm trước trong Đoàn cán bộ, nhân sĩ trí thức ra thăm Trường Sa, chúng tôi đã ngồi lại nói chuyện với nhau và cùng nhau ấp ủ, nung nấu ý tưởng này". Cũng theo ông Khoa, càng vui hơn khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chủ trương nghiên cứu để xây dựng một tuyến du lịch Trường Sa. "Tôi cho rằng tuyến du lịch này sẽ mang một ý nghĩa sâu sắc, vì đây không phải là chuyến du lịch chỉ để thưởng ngoạn, hưởng thụ, không phải tới đó để ngắm cái đẹp, thưởng thức những món ăn ngon mà tới đó để chúng ta dâng trào cảm xúc về một vùng hải đảo xa xôi của chúng ta; cảm nhận được sự gian khổ, hy sinh của những chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, bám đảo, để giữ vững chủ quyền đất nước. Tôi cho rằng, việc mở tuyến du lịch Trường Sa sẽ nhận được sự hưởng ứng tuyệt đối của người dân trong nước cũng như bà con kiều bào ở nước ngoài", ông Khoa khẳng định.
Nhiều ý tưởng đóng góp
Là người làm du lịch nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, đây là ý tưởng rất tốt nhưng để đến thực tế là khoảng cách khá lớn, cần cân nhắc kỹ. Theo ông Mỹ, trước hết sẽ có đoàn khảo sát, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành cùng các đơn vị liên quan ra Trường Sa. Sau đó, nếu khả thi, mới xây dựng chương trình, định giá, chuẩn bị lực lượng hướng dẫn viên, huấn luyện, trang bị các thiết bị đặc thù cần thiết... Nếu mọi việc thuận lợi, cũng phải năm 2016 mới khởi động được tour. Bên cạnh đó, tổ chức du lịch ra Trường Sa là tour đặc thù, không phải ai cũng tham gia được. Phải giao trực tiếp hoặc qua đấu thầu cho đơn vị nào đủ khả năng và cả tâm huyết, được kiểm tra và giám sát chặt chẽ.
Còn theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, trước hết không nên làm nhiều, ồ ạt mà hãy làm một cách cẩn trọng. Các dịch vụ kèm theo cũng phải cần hoàn thiện mới làm nhiều hơn. Số lượng chuyến đi cũng cần tùy thuộc vào việc hoàn chỉnh công tác tổ chức cho các tour đi ra Trường Sa. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tinh thần cho những người tham gia chuyến đi này để họ ý thức được chuyện không phải là chuyến du lịch đi để hưởng thụ, để họ không bị bất ngờ. Kể cả có những tình huống ngoài dự liệu xảy ra thì cũng cần chuẩn bị chu đáo, đặc biệt về khâu hậu cần. Trong thời gian đầu nên đi những tháng biển lặng, còn trong những ngày dông bão điều kiện đi rất khó khăn, sức khỏe nhiều người không chịu được. Tùy vào điều kiện hạ tầng, điều kiện an ninh, an toàn hàng hải, an ninh quân sự… tuy nhiên, có thể tổ chức 2 chuyến/tháng.
Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương UB MTTQ Việt Nam bày tỏ mong muốn việc tổ chức tour đặc biệt này hoàn toàn không đặt ra vấn đề về kinh tế, làm sao tổ chức lấy thu bù chi, để càng nhiều người được đi càng thành công. "Tôi cho rằng một chuyến đi như vậy một người chi phí cũng vài chục triệu đồng. Do đó chúng ta phải tính toán làm sao giảm bớt mọi chi phí, không tính lợi nhuận... Tôi cho rằng, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, thành phố khác cũng có thể làm", ông Khoa nêu lên quan điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.