Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vun đắp tình yêu Hà Nội

Việt Tuấn| 04/09/2012 06:30

(HNM) - Dịp hè 2012, tại các khu di tích lịch sử văn hóa chính trên địa bàn Thủ đô, du khách dễ bắt gặp những thanh niên mặc áo xanh tình nguyện làm nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến…

Là một trong hai đơn vị được Thành đoàn Hà Nội giao nhiệm vụ duy trì các đội "Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội", Đoàn trường Đại học KHXH và NV (ĐHQGHN) đã thành lập 7 đội với 120 tình nguyện viên hoạt động tại 7 điểm gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (Gia Lâm), Đền Gióng (Sóc Sơn) và Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh). Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học KHXH và NV Phạm Huy Cường cho biết, công việc của tình nguyện viên tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được; ngoài yêu cầu về vốn ngoại ngữ khá, giao tiếp tốt, các tình nguyện viên còn phải am hiểu về văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, phải hiểu, giới thiệu được những nét chính về khởi nguồn, ý nghĩa lịch sử, kiến trúc văn hóa của di tích và quá trình xây dựng, trùng tu.

Các tình nguyện viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn giới thiệu văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội với khách nước ngoài.

Khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm tập trung đông khách du lịch nước ngoài, vì thế, đội thanh niên tình nguyện ở đây được chọn lựa kỹ hơn, nhất là về trình độ ngoại ngữ. Nguyễn Hữu Minh, sinh viên Khoa Đông phương học Trường Đại học KHXH và NV cho biết, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 20 tình nguyện viên, giao tiếp được tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Chỉ trong 20 ngày hoạt động, đội đã hướng dẫn khoảng 240 lượt khách, trong đó 160 lượt khách nước ngoài. Ngoài hướng dẫn tham quan miễn phí tại khu vực Văn Miếu, tư vấn du lịch phố cổ và du lịch Hà Nội, các tình nguyện viên còn giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành Văn Miếu cũng như những nét đẹp văn hóa của Hà Nội xưa và nay. Thái Huy Ngọc - học viên Trường Sỹ quan Lục quân II (Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, đây là lần đầu đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhờ các tình nguyện viên Thủ đô nên Ngọc thêm hiểu và tự hào về nền giáo dục được cha ông ta dựng xây qua nhiều thế hệ. Ông Komal Chulani - du khách người Ấn Độ cũng chia sẻ: "Đây là chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của tôi và tôi thực sự ấn tượng với phong trào tình nguyện ở đây. Các bạn sinh viên có kiến thức sâu về Văn Miếu nên đã giải thích rất cụ thể về ý nghĩa, vai trò của địa điểm này cho khách nước ngoài.

Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, nhiều du khách nước ngoài ấn tượng với thanh niên tình nguyện. 20 ngày hoạt động tập trung (15-7 đến 5-8), đội đã hướng dẫn, tuyên truyền về lịch sử, văn hóa Hoàng thành Thăng Long cho khoảng 1.500 người. Tại các khu di tích Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (Gia Lâm), Đền Gióng (Sóc Sơn) và di tích Cổ Loa (Đông Anh), hơn 70 tình nguyện viên cũng nhiệt tình, hăng hái với công việc, được Ban quản lý các khu di tích đánh giá cao. Do tính mùa vụ của du lịch tâm linh, lễ hội nên lượng khách tham quan vào mùa hè ở các khu di tích này không đông, vì vậy các đội thanh niên tình nguyện còn linh hoạt, sáng tạo tham gia các hoạt động khác như bảo vệ môi trường, tuyên truyền văn hóa lịch sử cho thiếu nhi.

Năm 2009, nhằm đón đầu cho các hoạt động phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng Đề án tuyển chọn các tình nguyện viên tham gia các đội tuyên truyền về văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Hoạt động của các đội tuyên truyền hiệu quả, được đông đảo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đánh giá cao. Kể từ năm 2011 đến nay, Thành đoàn Hà Nội đã thường xuyên duy trì, củng cố các mô hình này nhằm phát huy hiệu quả hoạt động tình nguyện giới thiệu văn hóa, lịch sử vào 2 ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) và cao điểm mỗi dịp hè. Đoàn Trường Đại học KHXH và NV (ĐHQG HN) và Đoàn trường Đại học Văn hóa Hà Nội được Thành đoàn giao nhiệm vụ duy trì các đội "Tuyên truyền văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội". Nội dung hoạt động gồm tuyên truyền về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, danh thắng; hỗ trợ nghiệp vụ du lịch; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan di tích, danh thắng. Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Lê Quang Đại cho biết, bằng những hành động cụ thể, tinh thần nhiệt huyết của các tình nguyện viên, việc tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội đang thực sự đem lại hiệu quả và có ý nghĩa. Thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ duy trì và nhân rộng mô hình tới các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vun đắp tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.