(HNM) - Từ cuối năm 2016 đến nay, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản của Nhà nước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh,
Bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm trong vụ án tại Ngân hàng OceanBank nghe tuyên án, ngày 29-9. Ảnh: Thanh Hà |
Ông Võ Hồng Khanh, Tổ trưởng tổ dân phố 14, Phó Bí thư Chi bộ 8, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy): Phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm mới nảy sinh
Liên tiếp những "đại án" trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dầu khí… và nhiều vụ việc sai phạm tại các tỉnh, thành bị đưa ra xử lý thời gian qua đã khiến các đảng viên, quần chúng trong khu dân cư vô cùng phấn khởi. Thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước đặt ra tại nhiều kỳ đại hội, nhưng từ sau Đại hội XII, nhiều vụ việc lớn mới được đưa ra xem xét, xử lý. Đây thực sự là chuyển biến lớn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, hầu hết những vụ việc được xử lý thời gian qua là sai phạm “tồn đọng” trong quá khứ. Nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi người mắc sai phạm đã nghỉ hưu, do đó việc xử lý không triệt để. Một số vụ việc được báo chí, dư luận quan tâm nhưng khâu kiểm tra, kết luận diễn ra chậm trễ. Điển hình như một loạt sai phạm liên quan đến các lãnh đạo cấp cao tỉnh Yên Bái, đến nay sau nhiều tháng vẫn chưa công bố kết quả thanh tra…
V.Lênin từng ví “tham nhũng là giặc nội xâm”, đã là giặc thì phải đấu tranh, xử lý đến nơi đến chốn, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”. Muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần phát hiện và xử lý những vụ việc ngay trong hiện tại, mới nảy sinh tránh để xảy ra hậu quả nặng nề về sau.
Ông Phùng Khắc Khiêm, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vật Lại (huyện Ba Vì): Loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng
Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đã và đang có tác dụng răn đe nhất định, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng. Song, để công tác này đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, công khai. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Mặt trận, HĐND, các đoàn thể, cử tri cần tăng cường giám sát cán bộ có chức, có quyền trong lối sống, hành động, ở cả cơ quan và nơi cư trú, trong thực thi công vụ theo chủ trương của TP Hà Nội về "5 rõ". Trong đó, nhấn mạnh rõ trách nhiệm cá nhân, gắn thi đua với giải quyết các vụ việc bức xúc, tồn đọng lâu ngày đang được dư luận quan tâm và cấp trên chỉ đạo.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Bà Nguyễn Thị Liểu, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, Chi bộ Tảo Dương, Đảng bộ xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai): Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Tôi rất phấn khởi trước những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được trong thời gian qua, nhất là các vụ án lớn đã được xét xử từ đầu năm đến nay. Qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, những hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý thời gian qua chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước…, còn ở cấp địa phương, cơ sở, việc phát hiện và xử lý án tham nhũng rất ít.
Tôi mong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức từ Trung ương đến cơ sở. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống chính trị cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố 29 phường Thượng Thanh (quận Long Biên): Kiên quyết cắt bỏ “khối u”
Vừa qua, hàng loạt “đại án” kinh tế bị đưa ra xét xử, nhiều cán bộ cấp cao đương nhiệm đến hưu trí... bị kỷ luật. Qua đây cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong xử lý cán bộ sai phạm, kiên quyết cắt bỏ những “khối u” nhằm trong sạch hóa bộ máy, vun đắp niềm tin của nhân dân.
Việc xử lý kiên quyết, đúng người, đúng tội theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, không có “vùng cấm” chắc chắn sẽ là bài học tốt nhất để những cán bộ, đảng viên đương nhiệm tự nhìn vào đó mà răn mình, để không mắc những sai lầm tương tự. Chúng tôi mong Đảng và Nhà nước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự sắp tới, đặc biệt trong đánh giá cán bộ, chọn đúng người thực tâm, thực tài để đưa vào bộ máy. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, không để tái diễn tình trạng cán bộ lạm quyền, trục lợi, tham ô tham nhũng… gây thất thoát tài sản, mất đoàn kết nội bộ như đã từng xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.