Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui Tết cùng đồng bào Mông ở vùng cao Sơn La

Bài và ảnh: Quốc Tuấn| 15/01/2023 06:50

(HNNN) - Cũng như các dân tộc khác, đồng bào Mông ở Sơn La chuẩn bị Tết rất chu đáo, từ việc dọn dẹp nhà cửa đến may quần áo mới, trang trí nhà cửa, làm cơm cúng tổ tiên... Trong những ngày vui Tết, cùng với những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng đậm bản sắc dân tộc, đồng bào Mông ở Sơn La còn có những phong tục độc đáo riêng.

 Ngày Tết, nam nữ dân tộc Mông có nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng, trong đó có trò ném trái Pao.

Dán giấy cho nông cụ nghỉ Tết

Cũng như người Mông ở một số xã vùng cao của Sơn La, trước khi ăn Tết, người Mông ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La, thường mang công cụ lao động ra rửa sạch sẽ rồi sau đó dán lên từng nông cụ một mẩu giấy. Theo quan niệm của đồng bào Mông thì mỗi một mảnh giấy đó là thông báo cho dụng cụ đã lao động vất vả trong năm qua được nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Đồng thời, họ cũng gửi gắm vào đó mong muốn nông cụ sau những ngày nghỉ Tết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới khi cùng gia chủ tham gia lao động, sản xuất.

Để tìm hiểu rõ hơn về phong tục độc đáo này, chúng tôi tìm đến gia đình chị Vừ Thị Xinh, bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trong cái lạnh dưới 10oC, ngồi bên bếp lửa hồng trò chuyện, chị Vừ Thị Xinh chia sẻ: “Từ bé tôi đã được ông bà, cha mẹ giải thích ý nghĩa của việc dán các mẩu giấy lên nông cụ để cho chúng nghỉ ngơi trong ngày Tết. Việc làm đó thể hiện sự biết ơn của gia chủ đối với công cụ lao động trong năm đã giúp chủ nhà lao động, sản xuất ra hạt thóc, hạt ngô hay các loại nông sản khác... để giúp các gia đình có lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày, có cuộc sống ấm no”.

Đồng bào Mông làm thủ tục dán giấy lên nông cụ sau khi vệ sinh sạch sẽ.

Theo quan niệm của đồng bào Mông, sau một năm lao động vất vả thì cũng như các thành viên trong gia đình, đến Tết mọi người được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau, nông cụ lao động cũng phải được nghỉ ngơi để hồi sức. Sau những ngày nghỉ Tết, bước sang năm mới, các loại nông cụ sẽ cùng với gia chủ khai phá thêm nhiều diện tích đất để canh tác, tạo ra các loại nông sản với năng suất cao hơn năm cũ. Và phong tục dán giấy lên nông cụ trong ngày Tết không chỉ có ở các bản Mông trên địa bàn xã Co Mạ, mà nhiều bản vùng cao ở Sơn La có người Mông sinh sống đều duy trì phong tục độc đáo này.

Ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, thông tin: “Từ xa xưa, người Mông chỉ thích ở trên núi cao. Nơi nào cao nhất, khó khăn nhất thì nơi đó có người Mông sinh sống và lao động sản xuất. Để canh tác được trên địa hình đồi núi dốc, các dụng cụ như cuốc, dao phát, xẻng... là thứ không thể thiếu. Do vậy, việc duy trì phong tục cha ông để lại là điều đáng làm, và đó cũng là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông chúng tôi”.

Đàn ông dậy sớm vào ngày Tết

Khác với một số dân tộc ở vùng Tây Bắc, đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao của tỉnh Sơn La thường đón Tết sớm hơn 1 tháng với những phong tục độc đáo. Trong đó có phong tục vào ngày mùng một Tết Dương lịch, khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên cũng là lúc những người đàn ông dân tộc Mông dậy sớm nhất nhà để làm những việc quan trọng trong gia đình. Khác với dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Sơn La và một số tỉnh ở Tây Bắc thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản vùng cao của Sơn La đã nhộn nhịp không khí đón xuân.

Cũng như các hộ dân tộc Mông khác trong bản Co Mạ, gia đình ông Và Sái Di, một trong những người cao tuổi có uy tín của bản Co Mạ chuẩn bị các thủ tục để cùng gia đình đón Tết Dương lịch. Năm nay, do tính chất công việc của các thành viên trong gia đình, nên gia đình ông tổ chức cơm tối của gia đình vào ngày 29-11 âm lịch, chứ không phải là ngày 30-11 âm lịch như các năm trước. Dùng đôi bàn tay thô ráp chia đôi chiếc bánh giầy thơm ngon nướng cạnh bếp lửa hồng mời khách thưởng thức, ông Di bảo: “Tối nay có ít người nên gia đình mổ 2 con gà để làm lý thôi. Sáng mai, mùng một Tết mới mổ lợn để đón người thân bên nội, ngoại, con cháu và khách trong bản đến vui Tết cùng gia đình. Gia đình nào làm Tết sớm thì trước đó sẽ thông báo tới người thân, bạn bè để sáng hôm sau đến cùng chung vui”.

 Đàn ông Mông là người dậy sớm nhất để làm việc nhà ngày mùng một Tết.

Tiếp tục chia sẻ về ngày Tết của người Mông, ông Và Sái Di nói: “Người Mông chúng tôi chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ sẽ hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông thì đi mua sắm đồ hay mổ lợn, mổ gà cho bữa cơm trong gia đình. Nếu như với dân tộc Kinh, trong mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết của người Mông phải có bánh giầy để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm bánh giầy tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, đó chính là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh giầy là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc Mông”.

Giải đáp câu hỏi của chúng tôi, “Vì sao đàn ông dân tộc Mông luôn là người dậy sớm nhất trong ngày mùng một Tết”, ông Và Sái Di cho biết: Người Mông quan niệm, nếu gia đình nào tổ chức ăn Tết vào các ngày 27, 28, 29 hay 30 tháng 11 âm lịch thì ngày hôm sau sẽ là mùng một Tết, không nhất thiết cứ phải ăn Tết vào tối 30-11 âm lịch. Do vậy, khi tiếng gà gáy đầu tiên cất vang trong sáng ngày hôm sau thì đó là thời điểm đánh dấu những phút giây đầu tiên bước sang năm mới (và sẽ coi đó là ngày mùng một Tết). Vào ngày này, tất cả đàn ông người Mông là người ra khỏi giường sớm nhất trong gia đình để làm hết các công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, vo gạo nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm...

Xoa đôi bàn tay thô ráp rồi khoát tay chỉ ra ngoài nhà, nơi mấy con lợn trong chuồng đang hóng chủ nhà cho ăn, ông Và Sái Di nói tiếp: “Người Mông quan niệm đàn ông là trụ cột của gia đình nên chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc trong nhà. Sáng mùng một Tết, sau khi đàn ông dậy sớm làm việc bếp núc và cho lợn, gà ăn xong thì người phụ nữ Mông cũng dậy để làm những công việc nhẹ nhàng hơn như hứng nước và dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới”.

Chia sẻ thêm về phong tục đàn ông dậy sớm trong ngày đầu năm mới, chị Thào Thị Ly (bản Co Mạ) nói: “Từ khi còn nhỏ, những cô gái người Mông đã được bố mẹ dạy bảo phải tập dậy sớm nhóm bếp, lấy nước, nấu cơm. Có như vậy thì sau này về nhà chồng mới được lòng mẹ chồng và họ hàng bên đó. Tuy nhiên, vào sáng mùng một Tết thì phụ nữ lại dậy sau những người đàn ông. Vào ngày này, sau khi những người đàn ông dậy sớm, làm xong các công việc quan trọng thì chúng tôi mới ra khỏi giường để hứng những giọt nước sạch nhất về với mong muốn năm mới mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, may mắn và bình an”.

Đến với đồng bào Mông ở các xã vùng cao Sơn La vào dịp Tết Dương lịch 2023, ngoài việc chứng kiến những phong tục, nghi lễ độc đáo, du khách sẽ được thưởng thức bầu không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, ngắm hoa đào, hoa mơ, hoa mận hay học cách ném Pao cùng những thiếu nữ người Mông xinh đẹp rực rỡ trong những bộ váy áo mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui Tết cùng đồng bào Mông ở vùng cao Sơn La

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.