Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui sắm đào Rằm, đào thuê trở về vườn tái gốc

Thanh Xuân| 16/02/2011 15:55

Bình thường người Hà thành có thú chơi đào Rằm. Năm nay đào sau tết đẹp và rẻ nên hấp dẫn người mua. Cùng với việc mang cắt những cành đào muộn đi bán Rằm, người trồng đào lại gom các gốc đào cho thuê về tái gốc, trồng lại cho vụ đào năm sau.


Nhộn nhịp khách mua đào Rằm

Chỉ còn 1 ngày nữa là Rằm tháng Giêng. Người dân có câu: “Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Rằm tháng Giêng được coi trọng như Tết Nguyên đán nên trong nhà hay trên bàn thờ của mỗi nhà vẫn thường có cành đào để trang điểm.


Thị trường đào Rằm sôi động hơn cả đào tết


Do thời tiết trước Tết rét đậm, có một lứa đào gọi là “đào trượt” sau tết mới bắt đầu đơm hoa, nẩy lộc. “Hoa, lá, nụ, lộc… đẹp hơn hoa đào tết nhiều nhưng phải cái giá lại rẻ quá, có vài chục nghìn đồng một cành” - bà Hoàng, chủ vườn đáo Nhật Tân cho biết.

“Nhịn” chơi đào tết nên người dân tìm đi mua đào chơi Rằm rất đông. Trong các chợ, dọc trên các vỉa hè, ngõ phố những cành đào được chở đi bán khá nhiều. Cánh đào nở dầy, to và màu sắc tươi phơi phới. Giá cả thì ai cũng có thể chạm tới, chứ không như đào những ngày giáp tết.

“Đào này mà không mua thì phí. Trong tết đào không đẹp mà lại đắt. Ra Giêng đào đẹp hơn, giá lại rẻ, không mua đào về chơi lúc này thì không phải là người biết chơi đào. Tôi vừa mua cành này có 45.000 đồng mà đẹp ngang ngửa với cành đào trong tết tôi mua 500.000 đồng” - bác Phan, phố Hoa Bằng vui vẻ nói.

Điểm bán nhiều cành đào nhất vẫn là đường Lạc Long Quân, đường Âu Cơ, đường Nghi Tàm, Quảng Bá... Khách đi về ai thấy cành đào đẹp cũng muốn mua vì giá rẻ quá. Người ở xa thì mua một cành, người ở gần có người còn mua cả 2, 3 cành về biếu cả ông bà nội ngoại.

“Bán đào Rằm không ham hố như bán đào tết, nhưng năm nào sau tết nhà bác cũng nhặt vét một đợt cành đào ở vườn và năm nay có thêm ít đào trượt nữa đem hết cả đi bán. Bán hàng chạy lắm nhưng không thu về được nhiều tiền, vì mỗi nắm hoa đào có 10.000 đồng, cành nào to đẹp lắm mới bán được 100.000 bạc. Tuy không được là bao nhưng năm nào đi bán thành quen rồi” - bác Khanh, người trồng đào Nhật Tân chia sẻ.

Những cây đào tái gốc

Sau thời gian cho thuê cây đào chơi tết, giờ là lúc các cây đào được chủ vườn đưa về vườn để tái gốc cho vụ đào năm sau.

Các gốc đào đang dần về vườn.


Anh Đỗ Văn Lan, chủ một vườn đào có tiếng ở Nhật Tân cho biết: Thường thì khách tới thuê gốc đào từ 27, 28 tết và thuê trong khoảng một tuần nhưng cũng có cơ quan, nhà hàng thuê tới Rằm mới đem trả.

“Đây, mấy cây đào này là vừa chở ở doanh nghiệp và tổng công ty về. Những cây đào này sẽ được trồng lại trên một nền đất mới. Năm nào sau tết, tôi cũng phải mua thêm đất để đổ vào vườn, trồng lại các gốc đào cho thuê…” - anh Lan cho biết thêm.

Ngoài các cây đào mang về tái gốc, vườn nhà anh Lan còn mua thêm giống đào rừng về ghép mắt với giống đào Nhật Tân để phục vụ cho tết năm sau. Việc ghép hai loại đào này khá công phu, cầu kỳ và phần xử lý kỹ thuật thì không phải ai cũng tham gia được.

“Nhà mình toàn anh Lan làm phần kỹ thuật thôi. Mình và những người giúp việc chỉ phụ phần đổ đất và chăm sóc đào. Còn việc phát hiện sâu bệnh, theo dõi đến mắt đào ra rễ, nẩy mầm… thế nào thì mình cũng chịu” - chị Xinh, vợ anh Lan chia sẻ.

Đối với những cây đào tái gốc, phần chăm sóc và cắt tỉa không đáng quan tâm lắm, vì đã có “phom” sẵn rồi, chỉ phải quan tâm nhiều hơn tới những cây đào rừng ghép với giống đào Nhật Tân để cho ra một loại đào lai nhưng vẫn giữ bản sắc đào xứ Hà thành.

Cũng theo anh Lan: “Thường khách năm nay thuê gốc nào thì sang năm tới lại thuê về gốc đó, cũng thỉnh thoảng có khách thay đổi sang gốc đào mới. Do năm nay thời tiết quá rét nên các gốc đào được giá, thu nhập của gia đình nhờ vườn đào cho thuê này cũng khá hơn…”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui sắm đào Rằm, đào thuê trở về vườn tái gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.