Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có nội dung quan trọng về bảo vệ môi trường, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đã hình thành và phát huy hiệu quả rõ nét.
Nhờ sự hỗ trợ từ thành phố, nông dân Thủ đô từng bước thay đổi thói quen sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống bền vững.
Từng là nơi đầy rẫy vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Mê Linh dần trở nên sạch đẹp hơn nhiều kể từ khi người nông dân địa phương làm quen với khái niệm “sản xuất thân thiện môi trường”.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho biết, địa phương đã triển khai mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật” thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường canh tác kết hợp công tác hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý phụ phẩm cây trồng, rơm rạ; cung cấp thùng chứa chuyên dụng và thiết bị làm giàu ô xy trong nuôi trồng thủy sản..., qua đó mang lại nhiều kết quả tích cực.
Trong khi đó, bà Tạ Thị Kim Hằng ở xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Trước đây, người dân có thói quen bón, tưới xong là bỏ bao bì thuốc ra bờ ruộng, kênh mương. Nhưng nay, nhờ có mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, ai cũng có ý thức dọn dẹp, xử lý đúng cách, giữ môi trường sạch hơn”.
Mê Linh là một trong nhiều địa phương tích cực tiếp cận với những mô hình, giải pháp thay đổi thói quen sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống bền vững trên địa bàn Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, đến nay, thành phố đã chi hơn 28 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: Gần 10.000 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp phát; gần 4.800ha rơm rạ được xử lý bằng chế phẩm sinh học tại nhiều địa phương như: Mê Linh, Sơn Tây, Quốc Oai, Gia Lâm. Thành phố cũng đã hỗ trợ 85 cơ sở chăn nuôi và gần 1.000ha nuôi trồng thủy sản xử lý môi trường bằng công nghệ mới.
Việc sử dụng chế phẩm vi sinh thay cho đốt rơm rạ, xử lý phụ phẩm thành phân bón hữu cơ giúp làm sạch đồng ruộng, đồng thời trả lại dinh dưỡng cho đất, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí phân bón, góp phần tăng năng suất. Nhờ vậy, tình trạng đốt rơm rạ giảm mạnh, đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí, nhất là ở các vùng sản xuất lúa tập trung.
"Những kết quả trên cho thấy, chính sách không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông dân”, ông Tạ Văn Tường nhận định.
Từ những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, năm 2025, thành phố tiếp tục bố trí 35 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện xử lý môi trường trong trồng trọt. Về chăn nuôi, dự kiến có 457 cơ sở tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ… được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thủy sản, khoảng 1.054ha nuôi trồng tại các huyện: Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa… sẽ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, để các chính sách đi vào thực tế, huyện đang chủ động lập kế hoạch, phối hợp các sở, ngành triển khai hỗ trợ phù hợp với đặc thù địa phương. Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thu gom bao bì đúng cách và áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Với vai trò cơ quan quản lý, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách đúng quy định; đồng thời đẩy mạnh truyền thông chính sách đến người dân thông qua các hội nghị, hội thảo, truyền thông tại cơ sở. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ nhân rộng các mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải và giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Thực tế cho thấy, các mô hình bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở yếu tố “xanh” mà còn mang đến lợi ích thiết thực về kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp an toàn, hiện đại. Thay đổi tư duy sản xuất từ “nhiều, nhanh” sang “bền vững, sạch”, từ lạm dụng vật tư nông nghiệp sang công nghệ sinh học chính là yêu cầu đặt ra hiện nay.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, chính sách bảo vệ môi trường trong nông nghiệp của Hà Nội đang mang lại “màu xanh” cho đồng ruộng, cũng như thắp lên hy vọng về một nền sản xuất nông nghiệp văn minh, bền vững - vì sức khỏe cộng đồng hôm nay và mai sau. Điều này cần tiếp tục có sự chung sức từ chính quyền các cấp, ngành và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội (nội dung và mức hỗ trợ):
a) Đối với trồng trọt: Hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm sinh học để xử lý phụ phẩm cây trồng, rơm rạ làm phân bón và thức ăn chăn nuôi tối đa không quá 1,2 triệu đồng/ha. Hỗ trợ tối đa 2 lần/năm và trong 2 năm liên tiếp.
Hỗ trợ 1 lần kinh phí mua thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (2 thùng/ha); hỗ trợ 100% chi phí xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.b) Đối với chăn nuôi: Hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi tối đa không quá 300 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ tối đa 2 chu kỳ nuôi đối với lợn, gia cầm; 1 chu kỳ nuôi đối với trâu, bò.
c) Đối với thủy sản: Hỗ trợ 50% kinh phí mua sản phẩm xử lý môi trường nước trong nuôi thủy sản tối đa không quá 15 triệu đồng/ha. Hỗ trợ tối đa 2 năm liên tiếp.
Hỗ trợ 1 lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu ô xy xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.