Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui chơi Tết ở Hà Nội

Hoàng Quyên| 21/01/2023 06:12

(HNM) - Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm du lịch của Hà Nội đã có sự thay đổi để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu và xu hướng mới của du khách. Đã có khá nhiều sản phẩm mới hình thành tạo nên sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Tết này, người dân và du khách sẽ có nhiều lựa chọn để vui chơi, nghỉ dưỡng và trải nghiệm du lịch tại Hà Nội.

Du lịch văn hóa ở nội thành

Đầu tháng 12-2022, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội kiêm Giám đốc Công ty Du lịch bền vững Việt Nam (S.T.I.D) Phùng Quang Thắng cùng Ban lãnh đạo Bảo tàng Văn học Việt Nam (Quảng An, quận Tây Hồ) tất tả chuẩn bị cho một sản phẩm du lịch mới để kịp ra mắt vào dịp đón năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão tại Hà Nội. Tour du lịch văn học với chủ đề “Chữ Tâm, chữ Tài” khơi gợi nhiều điều mới mẻ, kích thích sự tò mò của những người yêu văn học nước nhà.

“Việt Nam có số lượng đồ sộ các nhà văn, nhà thơ lỗi lạc và danh tiếng. Nhiều tác giả, tác phẩm đã được vinh danh ở thế giới, trở thành nền tảng tri thức của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi quyết định thực hiện sản phẩm du lịch về văn học với nhiều trải nghiệm, khơi gợi sự tò mò, ham thích tìm hiểu văn học với du khách mọi lứa tuổi”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.

Thừa nhận trong số các sản phẩm du lịch văn hóa đang thịnh hành ở Hà Nội, tour du lịch văn học chỉ là một thị trường ngách, khó làm, nhưng các đơn vị phối hợp vẫn nỗ lực xây dựng để tạo nên một sản phẩm độc đáo, mới lạ cho Tết năm nay. “Tour du lịch văn học sẽ diễn ra vào buổi tối các ngày cuối tuần và tiếp tục phục vụ du khách vào dịp Tết Nguyên đán, tạo thêm không gian trải nghiệm mới, hấp dẫn cho những người yêu văn học. Tour du lịch này góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế đêm của thành phố”, ông Phùng Quang Thắng bày tỏ.

Với vị thế là 1 trong 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước, từ lâu, Hà Nội là địa điểm được rất nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn để vui chơi, nghỉ ngơi vào dịp lễ, Tết. Đánh giá về các sản phẩm du lịch Hà Nội trong kỳ nghỉ Tết năm nay, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Là địa phương có số lượng di tích lịch sử, văn hóa nhiều nhất cả nước với gần 6.000 di tích, du lịch văn hóa, du lịch di sản vẫn là thế mạnh của Hà Nội. Đây cũng là sản phẩm truyền thống duy trì lâu năm, tập trung ở khu vực nội thành”.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sản phẩm du lịch văn hóa của Thủ đô có sự chuyển dịch, đổi mới rõ nét. Nổi bật là việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch đêm, trong đó phải kể đến tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. “Dự kiến, sản phẩm tour đêm tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước vào dịp Tết năm nay, bên cạnh hoạt động trải nghiệm vui xuân mà các đơn vị tổ chức hằng năm vào ban ngày”, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội) Nguyễn Minh Thu cho hay.

Ngoài các tour du lịch đêm, nhắc đến các sản phẩm du lịch văn hóa của Thủ đô thu hút du khách trong dịp Tết không thể không kể đến những điểm tham quan quen thuộc: Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng hoạt động xin chữ đầu năm; trải nghiệm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tham quan phố cổ bằng xe điện, tìm hiểu các di tích văn hóa trong phố cổ, như: Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Ngôi nhà di sản (97 Mã Mây), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); sản phẩm tour “Thăng Long Tứ Trấn” (đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh); tham quan chùa Trấn Quốc, đền Trấn Vũ; các tour khám phá Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học…

Đa dạng hoạt động trải nghiệm ở ngoại thành

Khác với 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể nhận thấy, hoạt động du lịch đã sôi động trở lại ở nhiều điểm đến của Hà Nội, trong đó có khu vực ngoại thành.

Thị xã Sơn Tây là một trong những địa phương tạo được sức bật lớn sau khi khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, sự kết nối giữa phố đi bộ Thành cổ và Làng cổ Đường Lâm sẽ mang đến màu sắc mới cho hoạt động du lịch Tết ở thị xã Sơn Tây. Du khách có thể thực hiện chuyến du lịch cùng gia đình với thời gian 2 ngày 1 đêm để trải nghiệm các hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng tại nhà dân, tìm hiểu nhiều di tích tại Làng cổ Đường Lâm và tham gia hoạt động cộng đồng trên tuyến phố đi bộ Thành cổ. Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tham gia các lễ hội văn hóa truyền thống cùng bà con nhiều dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây).

Nếu là người thích các hoạt động vui chơi, giải trí trong ngày, du khách có thể tìm đến những khu du lịch đã có thương hiệu, như: Khu vui chơi giải trí quốc tế Tuần Châu (huyện Quốc Oai) với chương trình biểu diễn cá voi và xem vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” vào buổi tối hoặc đến khu vui chơi Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức) tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn.

Đối với du khách ưa thích hoạt động mạo hiểm kết hợp nghỉ dưỡng, Ba Vì là lựa chọn phù hợp. Hiện tại, Vườn Quốc gia Ba Vì đã triển khai nhiều dịch vụ như cho thuê phương tiện cắm trại; tổ chức hoạt động trekking (đi bộ địa hình) cho những du khách thích khám phá, thể thao mạo hiểm. Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường, dịch vụ (Vườn Quốc gia Ba Vì) Nguyễn Phi Hùng cho biết, ngoài các sản phẩm du lịch mạo hiểm ngoài trời để du khách khám phá thiên nhiên ở Vườn Quốc gia Ba Vì, thì nơi đây hằng năm luôn thu hút du khách đi lễ đầu năm ở đền Thượng và đền thờ Bác Hồ. Hiện nhiều dịch vụ lưu trú tại huyện Ba Vì, như: Khu du lịch Ao Vua, khu du lịch Medi Thiên Sơn, Paragon resort… đã được nâng cấp để sẵn sàng đón khách mùa cao điểm.

Sau 2 năm du lịch “đóng băng” vì dịch Covid-19, nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội đang trở thành điểm hấp dẫn, mang đến “làn gió mới” cho người dân Hà Nội và nhiều du khách phương xa vui chơi, nghỉ ngơi. Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) được thành phố công nhận là Điểm du lịch (vào năm 2018), là một trong những điểm sáng về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn của Hà Nội. Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Trần Quốc Bảo cho biết, đến với Hồng Vân, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành của vùng nông thôn mới, mà còn được thăm thú nhiều vườn hoa, cây cảnh đẹp.

Trong khi đó, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Bắc, nhiều năm nay, huyện Đan Phượng cũng là nơi hấp dẫn du khách với khu du lịch Phượng Hoàng (được công nhận là Điểm du lịch vào năm 2021). Du khách sẽ được trải nghiệm vườn hoa 3 miền rộng lớn và nhiều dịch vụ ẩm thực hấp dẫn.

Có thể thấy, diện mạo du lịch Thủ đô đã có sự đổi mới rõ nét sau dịch Covid-19. Rất nhiều mô hình, sản phẩm du lịch mới được hình thành, bên cạnh những sản phẩm truyền thống vốn là thế mạnh của Hà Nội. Điều này đang từng bước khiến cho du lịch Thủ đô nhanh chóng khởi sắc, lấy được đà tăng trưởng sau dịch. Bằng chứng, Hà Nội đã đón được lượng khách nội địa vượt xa kế hoạch, số lượng khách quốc tế đã chạm mốc mục tiêu đề ra. Tổng khách du lịch đến Hà Nội trong 11 tháng của năm 2022 ước đạt 17,02 triệu lượt, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là bước tạo đà thuận lợi để du lịch Hà Nội tiếp tục bật xa hơn vào năm 2023, nhanh chóng lấy được vị thế như thời điểm trước dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui chơi Tết ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.