(HNM) - Mới đây, qua truyền thông, một độc giả đã chia sẻ câu chuyện của mình sau chuyến thăm quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Câu chuyện là, sau khi hoàn thành chuyến đưa đoàn tham quan, cô lái đò nói với du khách rằng:
"Em đã đưa đoàn chúng ta đi đến nơi, về đến chốn, đã giúp đoàn đi cầu tài, cầu lộc đầu xuân. Đoàn chúng ta hãy mừng tuổi cho em để giải lộc, không thì lộc không được trọn vẹn đâu". Lời nói của cô khiến không khí chuyến du xuân trở nên nặng nề.
Tiền tip, hay tiền boa (tiếng Pháp: Pour boire) là khoản tiền nhỏ mà người ta để lại sau khi sử dụng dịch vụ, coi đó như một cách cảm ơn nhân viên phục vụ. Trên thế giới, ở nhiều nơi, tip đã trở thành thói quen. Có quốc gia quy định cụ thể về khoản tiền tip (tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng số giá trị dịch vụ mà khách sử dụng). Có quốc gia lại không khuyến khích hình thức này, thậm chí, người lao động còn tỏ ra tự ái khi khách chi tiền tip. Tại Việt Nam, việc chi tiền tip chưa trở thành thói quen và cũng không có quy định cụ thể về điều đó. Chính vì vậy, hiện nay, phần lớn du khách không có thói quen tip.
Từng đến Tràng An nhiều lần, tôi biết khá rõ về nỗi vất vả của những người lái đò nơi đây. Muốn được hành nghề, họ phải tham gia khóa tập huấn và vượt qua một kỳ thi không dễ dàng. Và không phải ngày nào họ cũng có việc để làm bởi khách ít còn số người chèo thuyền lại đông. Mỗi chuyến, người chèo đò phải qua khoảng 15km cả đi cả về trong điều kiện khá khó khăn do thực vật thủy sinh ở Tràng An nhiều, tay chèo rất nặng, đặc biệt là vào mùa nước cạn. Mỗi chuyến vất vả là thế mà tiền công chẳng đáng là bao. Chính vì vậy, tiền tip đối với họ, thực sự đáng quý.
Tuy thế, cô lái đò nọ cũng đã phạm phải điều tối kỵ đối với phía cung cấp dịch vụ, là vòi vĩnh khách. Có rất nhiều cách để lấy tiền tip của khách dù họ chưa rõ về "văn hóa tip". Có thể là phục vụ thật nhiệt tình, giới thiệu về cảnh quan, con người ở điểm đến như một hướng dẫn viên thực thụ... Khi được phục vụ tốt, có lẽ du khách sẽ không ngần ngại chi tiền tip.
Nên chăng, khi tập huấn cho lái đò nói riêng và bộ phận kinh doanh dịch vụ nói chung, các cơ quan quản lý nên lưu ý cả cách xử sự sao cho tế nhị để du khách không cảm thấy phiền lòng và không muốn quay trở lại nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.