(HNM) - Dư âm chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cùng những hình ảnh đẹp và những lời nói "có cánh" về mối quan hệ vừa được sưởi ấm giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới chưa kịp lắng dịu, Ngoại trưởng xứ Cờ hoa Hillary Clinton đã thực hiện ngay chuyến công du tới một loạt nước Đông Âu và khu vực Caucasus gồm Ukraine, Ba Lan, Azerbaijan, Armenia và Grudia. Điều này cho thấy mối quan tâm của Nhà Trắng đến khu vực vốn được coi là không gian ảnh hưởng truyền thống của xứ sở Bạch dương.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. |
Với Ukraine, chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn phát đi tín hiệu rằng Washington vẫn ủng hộ Kiev cho dù giờ đây, nước này nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Viktor Yanukovich, người được xem là "thân Nga". Không nghi ngờ gì, khi Kiev đang tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ Nga - Mỹ, Washington vẫn có cơ hội tìm thấy lợi ích ở Ukraine. Lựa chọn quốc gia bên bờ biển Đen này là chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Clinton đã phát đi thông điệp rằng, Kiev cần chú ý hơn trong phát triển quan hệ với Mỹ và phương Tây, chứ không chỉ ngả theo Nga.
Với Ba Lan thì quá rõ, bất chấp phản ứng gay gắt của Mátxcơva, kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa Mỹ tại Đông Âu (NMD) không những không dừng lại mà còn tiến thêm một bước dài. Từ chỗ chỉ có sự tham gia của Séc và Ba Lan như dự kiến dưới thời Tổng thống G.Bush, nay được mở rộng khắp cả đại dương và đất liền, hình thành chiếc ô bảo vệ châu Âu và Mỹ trước các nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa tầm ngắn, trung và tầm xa. Việc Ngoại trưởng H.Clintơn vừa ký với Vácsava phụ lục của Hiệp định về NMD là một bước cụ thể hóa dự án 'tên lửa" từng gây tranh cãi trong quan hệ Nga - Mỹ.
Với Azerbaijan, Armenia và Grudia, dù không nói ra thì các nhà quan sát quốc tế cũng đều hiểu rằng Mỹ vẫn kiên trì chiến lược Đại Trung Đông bao trùm các nước Trung Cận Đông, Trung Á, Đông Âu, Pakistan và cả các nước Bắc Phi đến tận Sudan. Trong đó, khu vực Cápcadơ là một bộ phận không thể tách rời. Thậm chí, nó còn là phần quan trọng nhất, xét ở khía cạnh địa - chính trị. Ngoài việc là mảnh đất chiến lược che chắn sườn phía Nam của nước Nga, đây còn là khu vực có những đường ống dẫn dầu từ biển Caspian đến các thị trường xuất khẩu lớn có thể thỏa mãn "cơn khát" năng lượng của phương Tây.
Thực ra, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ với khu vực ở ngã ba Á - Âu này là một bài toán cũ được đặt ra từ lâu. Nhất là từ khi Liên Xô tan rã và tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga kéo dài hơn một thập kỷ, trước thời kỳ Tổng thống V.Putin lên nắm quyền. Đó là thời điểm hiếm hoi mà các nhà hoạch định chiến lược Mỹ có được để đẩy nhanh các hoạt động mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông, tiến đến sát sườn nước Nga. Song song với chính sách "chia nhỏ và lôi kéo" các nước Liên Xô cũ vào hệ thống liên minh của Mỹ, Nhà Trắng đã tung ra những bước đi khá sớm nằm trong chiến lược chọc thủng "phòng tuyến Trung Á" là kết nạp ba nước vùng Baltic thuộc Liên-xô cũ là Estonia, Latvia, Lithuania vào NATO; rồi đứng sau các vụ đảo chính chính trị dưới tên "cách mạng sắc màu" ở Grudia và Ukraine, dựng lên chính quyền thân Mỹ và phương Tây. Mục tiêu của Mỹ là sau khi giải quyết ổn thỏa khu vực Cápcadơ sẽ quân sự hóa toàn bộ vùng thảo nguyên Mông Cổ, để từ đó có thể kiểm soát toàn bộ lục địa Á - Âu vô cùng rộng lớn, kéo dài từ dãy Ural đến tận bờ đông Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, đã qua rồi cái thời Nga đứng bên lề các vấn đề quốc tế do khủng hoảng trong nước. Nước Nga những năm đầu thế kỷ XXI đã khác nước Nga của những năm cuối thế kỷ XX trên mọi phương diện. Và dường như giới hoạch định chính sách Mỹ đã không đánh giá đúng đối thủ khi người Nga đưa ra một lời giải mới hơn so với Mỹ cho bài toán mở rộng NATO sang phía Đông. Đó là sự kiện đáp trả chiến dịch quân sự của Grudia - quốc gia láng giềng thân Mỹ. Cuộc chiến linh hoạt, nhạy bén và cương quyết của quân đội và thái độ dứt khoát của các nhà lãnh đạo Nga khiến Mỹ và phương Tây lâm vào bất ngờ và lúng túng. Việc Grudia thất thủ trong cuộc chiến tháng 8-2008 và Nga công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia chẳng khác nào một cú đánh kép lập lại thế cờ của Mátxcơva trong khu vực.
Trước nguy cơ dự án "Đại Trung Đông" bị đình trệ, chuyến công cán của ngoại trưởng H.Clinton đang diễn ra tại "sân sau" của Nga rõ ràng nhằm củng cố liên minh để vực dậy những lợi ích chiến lược sống còn của Mỹ trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.