(HNM) - Tại hội nghị giao ban liên bộ về
Vừa dạy vừa tìm hiểu
Theo đánh giá của các nhà trường, sử dụng di sản trong dạy học đã bước đầu có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của học sinh. Sau khi tìm hiểu, học tập, học sinh nhận thức được giá trị của di sản văn hóa xung quanh, các em thấy yêu quý, trân trọng và tự hào hơn về quê hương mình. Sử dụng di sản trong dạy học cũng là một trong những phương pháp góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn nhận thức, kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức. Hơn thế, việc tiếp cận với di sản văn hóa giúp học sinh rèn luyện kỹ năng quan sát, thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn đã học để giải thích những hiện tượng, sự vật có trong các di sản văn hóa…
Đưa di sản vào giảng dạy cho học sinh phổ thông sẽ giúp các em phát triển kỹ năng học tập, xử lý thông tin. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, công tác giáo dục di sản trong trường học hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Ở Phú Thọ, hầu hết giáo viên phải tự khai thác, sử dụng di sản để dạy học, do vậy nếu giáo viên không am hiểu sâu sắc về di sản, chọn nội dung và hình thức giảng dạy không phù hợp thì mục đích giáo dục có thể đi chệch hướng. Hơn nữa, các di sản văn hóa ở Phú Thọ phân bố không đều nên học sinh ít có điều kiện học trực quan. Ở Huế, sử dụng di sản để dạy học đã được thực hiện dưới hình thức tham quan bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng, đình làng, nghĩa trang liệt sĩ, di tích thời Nguyễn; đưa các làn điệu dân ca vào trường học từ nhiều năm nay. Nhưng, tương tự như ở Phú Thọ, môn học đặc biệt này chưa được định hình cụ thể, giáo viên vừa đóng vai trò thiết kế hoạt động, điều phối viên, vừa tổ chức cho học sinh hoạt động… Còn ở Hà Nội, dạy di sản trong trường phổ thông đã được triển khai thí điểm ở một số trường, song do kinh phí để tổ chức giáo dục tại thực địa rất tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của các nhà trường, nên môn học này cũng chưa phát triển được như kỳ vọng.
Cần lấy học sinh là trung tâm
Dẫu gặp nhiều khó khăn, song trên thực tế, việc sử dụng di sản để dạy học đã được một số trường phổ thông thí điểm thành công với môn lịch sử, địa lý, âm nhạc... Kinh nghiệm từ những trường này cho thấy, sử dụng di sản để dạy học phải lấy học sinh là trung tâm.
Trước khi đưa di sản vào giảng dạy môn âm nhạc, Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) tập huấn cho giáo viên bộ môn, lựa chọn các tiết học, các di sản âm nhạc sao cho phù hợp nhất với học sinh. Sau khi nắm bắt được một số kỹ năng cần thiết, giáo viên âm nhạc tiến hành sưu tầm, khai thác các tài liệu liên quan đến di sản, soạn giáo án giấy, điện tử và xây dựng kịch bản cho học sinh thể hiện. Dựa trên kịch bản, học sinh chuẩn bị tư liệu về hình ảnh, âm thanh, tìm hiểu nguồn gốc của di sản… Trong quá trình giảng dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận theo tổ hoặc tự trình bày sự hiểu biết của mình, tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi âm nhạc liên quan đến di sản; yêu cầu các em nói lên cảm nghĩ, nhận xét của mình về những di sản văn hóa đó… Song song với chương trình giảng dạy, Trường THCS Hoàn Kiếm còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như mời nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia về nói chuyện, trao đổi, biểu diễn một số làn điệu ca trù cho học sinh thưởng thức; thi tìm hiểu về quan họ Bắc Ninh, thi hát những bài hát dân ca trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần… Nhờ đó, việc sử dụng di sản trong dạy học môn âm nhạc ở Trường THCS Hoàn Kiếm đạt hiệu quả cao, học sinh thích thú trong các giờ học.
Tại Trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), việc sử dụng di sản để dạy môn lịch sử được nhà trường triển khai theo phương pháp "học theo hợp đồng", "dạy học theo dự án", tức là các thầy, cô giáo bộ môn lịch sử đóng vai trò hướng dẫn học sinh sưu tầm các hiện vật, tư liệu liên quan đến chủ đề, môn học. Bên cạnh đó, mỗi khối học của trường có một ban phụ trách tổ chức các hoạt động, mỗi tháng thực hiện một chủ đề với thời lượng hai tiết. Ngoài mục đích, yêu cầu chung, khi tổ chức các chủ đề, các tiểu ban còn mở rộng khai thác, tích hợp kiến thức về di sản theo chủ đề. Hào hứng với hình thức học tập thú vị này, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền đã sưu tầm được những trang tư liệu quý về văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa gắn liền với Di sản thế giới Mỹ Sơn, nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, lăng mộ bà Thu Bồn, bà Chiêm Sơn… Hệ thống tư liệu hiện vật do các em sưu tầm hoặc hiến tặng hiện đang được trưng bày tại phòng truyền thống nhà trường.
Với hình thức học tập tương tác giữa thầy và trò, việc sử dụng di sản cho môn địa lý, ngữ văn, lịch sử, tiếng Anh ở Trường THCS Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ) không những làm giàu có thêm cho trang sử quê hương, mà còn góp phần nâng cao chất lượng các môn học. Thống kê cho thấy, sau khi sử dụng di sản dạy học, số học sinh đạt loại khá, giỏi môn địa lý của Trường THCS Gia Cẩm tăng 7,5%, môn âm nhạc tăng 9%, môn lịch sử tăng 4,5% so với trước đây.
Một vài ví dụ trên cho thấy, sử dụng di sản dạy học trong trường phổ thông hiện nay giống như người vừa đi, vừa mở đường, nhưng nếu được quan tâm một cách đồng bộ và bản thân các trường chủ động sáng tạo thì con đường đang mở ấy ắt sẽ sớm định hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.