Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ video học sinh hút shisha: Nhà báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Minh Thúy – Thùy Ngân| 04/04/2015 17:13

(HNMO)- - Liên quan đến vụ việc kênh truyền hình VTC14 phát sóng phóng sự “Khi áo trắng học sinh chìm trong khói shisha”, HNMO đã nhận được một số ý kiến của độc giả xung quanh vấn đề này:


Chị Chu Thị Hương Nga, Học viện Quản lý giáo dục:

Tuyên truyền không trung thực sẽ phản tác dụng. 


Hút shisha là một khái niệm khá mới với nhiều người, do đó tác hại của nó nhiều người không biết. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì shisha gây tác hại vô cùng lớn. Do đó, với hình ảnh và việc trả lời phỏng vấn của các em học sinh trong phóng sự của VTC là điều gây phản cảm với nhiều người, làm mất danh dự, uy tín của nhà trường, gây tâm lý không tốt đến học sinh. Các em vẫn là những người chưa thành niên, đòi hỏi phải có sự giám sát của phụ huynh, thầy cô giáo. Do vậy nếu VTC dàn dựng để đẩy vấn đề lên mức độ “nóng” thì đây là phản ánh thiếu trung thực, định hướng dư luận chưa đúng. Do đó, việc làm rõ phóng sự có được dàn dựng hay không là điều hết sức cần thiết và sẽ cho chúng ta biết cách giáo dục học sinh đúng đắn trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Học sinh cấp THPT là những đối tượng dễ bị tổn thương và đang rất muốn được tự khẳng định mình, muốn có thái độ và tự xử lý mọi việc độc lập như người lớn. Do đó, nếu cách giáo dục không chuẩn mực sẽ đẩy các em đến với tiêu cực, khiến các em có suy nghĩ, hành động không đúng. Với những vấn đề nhạy cảm, giáo viên phải tìm cách phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, lấy học sinh làm trung tâm để giải thích, tuyên truyền, đồng thời các bên phải dành thời gian thích hợp để theo dõi, giám sát sự thay đổi của các em. Đây là một bài học dành cho những người làm công tác truyền thông bởi tuyên truyền không trung thực sẽ gây phản tác dụng…

Em Trần Trung Nghĩa, học sinh Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông):
Cần có những cảnh báo cần thiết đến học sinh

Em thấy “sốc” khi xem lại phóng sự trên và nhiều bạn em càng bất bình khi có thông tin cho rằng phóng sự được dàn dựng chứ không phải đó là sự thật. Với những người có lòng tự trọng, khi xem phóng sự này cảm thấy xấu hổ vì sự việc đó làm mất danh dự của cá nhân học sinh và uy tín của nhà trường. Với tâm lý tò mò, muốn được khẳng định mình, em nghĩ tuổi học trò như chúng em chưa có suy nghĩ chín chắn và có lẽ thế nên các bạn mới nhận lời làm những phóng sự như vậy bởi không ý thức được hậu quả sẽ tai hại đến mức nào.

Đọc thông tin trên mạng em mới biết tác hại shisha chứ chưa bao giờ được nghe tuyên truyền cụ thể shisha là cái gì. Em tin rằng, nhiều vị phụ huynh và thầy cô giáo cũng chưa biết rõ shisha ra sao… Có lẽ vì thế nên nhiều bạn đã tò mò dẫn đến việc hút thử, tập làm người lớn. Em rất muốn những thứ gây tác hại xấu đối với học sinh phải được nhà trường, xã hội cảnh báo, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, để học sinh ý thức được những điều cần phải tránh.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:
Nhà báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Qua thông tin từ báo chí, tôi thấy nhà báo trong trường hợp này đã có dấu hiệu vi phạm điều 38 Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư của cá nhân phải được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của họ. Trường hợp người chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha mẹ hoặc người dại diện của người đó đồng ý. Tuy nhiên, nếu đã đủ 15 tuổi nhưng chưa thành niên thì phải được sự đồng ý của chính người đó.

Ban Giám hiệu nhà trường xác nhận có buổi làm việc với phóng viên cùng các tin nhắn trong điện thoại, có chứng cứ xác định hành động biến cảnh quay sắp đặt, dàn dựng trở thành một phóng sự ghi nhận thực tế là sai phạm của phóng viên. Đây là vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Việc thể hiện rõ mặt, bảng tên của các học sinh dù trước đó đã thống nhất che mờ đã là vi phạm về quyền nhân thân trong sử dụng hình ảnh cá nhân quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự.

Đối với vi phạm liên quan đến đạo đức, nghề nghiệp phóng viên thì phải bị xử lý theo các quy định của nghề nghiệp theo Luật Báo chí. Việc xâm hại đến hình ảnh cá nhân, gây ra việc hiểu nhầm cho các học sinh dẫn đến tổn thất về tinh thần, sức khỏe của họ thì phóng viên còn phải bị bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Dân sự. Nhà trường cần yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ sự thật, có một kết luận rõ ràng để chứng minh việc nhà đài chịu trách nhiệm của mình. Khi có kết luận chính thức, các em học sinh, nhà trường có quyền yêu cầu "nhà đài" công khai xin lỗi, phát sóng cải chính và bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp đài không đồng ý theo yêu cầu thì các em học sinh, nhà trường có quyền khởi kiện ra toà án để buộc nhà đài phải thực hiện những yêu cầu của mình.

Shisha là loại thuốc lá không nằm trong danh mục cấm. Trước đây, hút sihsha chỉ có trong các vũ trường, quán bar nhưng hiện nay nó được phổ biến tại nhiều quán cà phê, giải khát và đã xâm nhập cả vào giới học sinh trung học. Nói chung, hút thuốc lá, hút shisha đối với học sinh là vi phạm đạo đức cần được chấn chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ video học sinh hút shisha: Nhà báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.