Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ va chạm trên biển Hoa Đông: Giọt nước tràn ly

Đình Hiệp| 14/09/2010 06:55

(HNM) - Cuộc khẩu chiến căng thẳng gần một tuần qua giữa Trung Quốc và Nhật Bản sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông giữa tàu đánh cá Mân Tấn 5179 (Trung Quốc) với hai tàu tuần tra Yonakuni và Mizuki của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã tạm lắng, khi ngày 13-9 Tokyo trả tự do cho 14 ngư dân và con tàu cho phía Trung Quốc, ngoại trừ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng.

Cho dù không gây thiệt hại về người, song vụ va chạm trên một lần nữa đã làm tổn thương mối quan hệ láng giềng giữa hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này.

Ngư dân của tàu Mân Tấn 5179 của Trung Quốc rời cảng Ishigaki (Nhật Bản) để về nước ngày 13-9.

Đây không phải lần đầu xảy ra những căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật liên quan đến quyền và lợi ích trên biển Hoa Đông. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những tranh cãi là do hai nước chưa phân định được hải giới ở khu vực này. Thời gian gần đây Bắc Kinh và Tokyo đã có nhiều động thái hàn gắn quan hệ, trong đó phải kể đến một thỏa thuận trên nguyên tắc được hai bên ký năm 2008 nhằm giải quyết tranh chấp bằng giải pháp cùng khai thác khí đốt trên biển Hoa Đông. Gần đây nhất, ngày 27-7 Nhật Bản và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên nhằm tiến tới ký kết một hiệp ước khai thác khí đốt chung trên biển Hoa Đông. Cuộc đàm phán nhằm cụ thể hóa những thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp tháng 5 vừa qua giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Yukio Hatoyama. Song, thực tế lại không diễn ra như mong muốn.

Trong khi Nhật Bản luôn bảo lưu quan điểm, việc Trung Quốc khai thác khí đốt trên biển Hoa Đông là vi phạm khu vực "đặc khu kinh tế biển" của Nhật Bản, Trung Quốc lại nhất quyết rằng, quần đảo Điếu Ngư là một phần lãnh thổ nước này khi yêu cầu Nhật Bản ngừng "cái gọi là những hoạt động thực thi luật pháp" tại đây. Trong bối cảnh đó, vụ tàu đánh cá của Trung Quốc bị JCG bắt giữ ở khu vực quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông ngày 7-9 vừa qua, sau khi va chạm với hai tàu của JCG, như "giọt nước tràn ly" đẩy căng thẳng quan hệ Trung-Nhật leo thang.

Không chỉ ngay lập tức đơn phương hoãn cuộc đàm phán với Nhật Bản về vấn đề cùng khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông dự kiến diễn ra trong tháng 9 này, Trung Quốc còn triệu Đại sứ Nhật Bản tới 4 lần để phản đối vụ việc trên. Ngược lại, một mặt tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mặt khác Nhật Bản tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các hành động vi phạm lãnh hải theo luật pháp Nhật Bản. Trước mắt, Tòa án thành phố Ishigaki ở tỉnh Okinawa (Nhật Bản) đã chấp thuận đề nghị của cơ quan công tố tiếp tục giam giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng đến hết ngày 19-9 để phục vụ công tác điều tra.

Vụ va chạm trên biển Hoa Đông vừa qua như phép thử với quan hệ Trung-Nhật trong bối cảnh hiện nay. Với nhiều lợi ích ràng buộc trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế-chính trị, chắc chắn Bắc Kinh và Tokyo không muốn cú va chạm là nguyên nhân châm ngòi cho những căng thẳng mới trong quan hệ hai nước.

Sự kiện tàu đánh cá của Trung Quốc bị JCG bắt giữ ở khu vực tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoa Đông vừa qua chỉ là một trong những "sự cố" đáng tiếc xảy ra thời gian gần đây liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền trên biển. Sự kiện trên một lần nữa cho thấy, việc phân định ranh giới trên biển trong khu vực giữa các quốc gia có chung lợi ích không chỉ là đòi hỏi cấp thiết, mà còn có ý nghĩa sống còn về mặt kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh trong bối cảnh hiện nay. Song, với nhiều lợi thế và tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thương, khai thác hải sản và dầu khí, việc các quốc gia có chung lợi ích biển cùng bắt tay nhau để khai thác là không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ va chạm trên biển Hoa Đông: Giọt nước tràn ly

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.