Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vũ Thanh Lịch và “mạch nước ngầm” thăm thẳm

Đỗ Bích Thúy| 24/07/2021 12:15

(HNMCT) - Biết đến tên Vũ Thanh Lịch phải vài năm rồi tôi mới gặp tác giả, mặc dù Hà Nội với Ninh Bình không xa xôi gì. Đó là vào khoảng từ những năm 2007 - 2008, khi Lịch bắt đầu có truyện ngắn in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi tôi làm việc.

Lịch viết cần mẫn, chăm chỉ, nhưng khá loay hoay. Cảm giác như cô chưa thực sự tìm ra được nguồn mạch từ chính tư duy, cảm xúc của mình. Cho đến tận chặng cuối của cuộc thi truyện ngắn gần nhất trên tạp chí này thì Vũ Thanh Lịch mới thực sự bứt phá bằng một truyện ngắn phải gọi là xuất sắc: “Nhà thánh”. Cô nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ Ban chung khảo. Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ với một truyện ngắn ấy mà trao giải Nhất cho Vũ Thanh Lịch thì có vẻ hơi mạo hiểm, liệu sau này cô có giữ vững được giá trị cái giải Nhất ấy không? Tôi thì quan niệm rằng văn chương đích thị là thứ trời cho. Trời mà không cho thì miệt mài đến đâu cũng chỉ thành thợ viết thôi. Trời đã cho thì sẽ thành nhà văn. Mà nhà văn, cả cuộc đời dù chỉ có một cuốn sách hay thậm chí một truyện ngắn xuất sắc được bạn đọc nhớ đến, đã là hạnh phúc lắm rồi.

Vũ Thanh Lịch sinh năm 1978 ở Ninh Bình, lớn lên ở Ninh Bình, và hiện là Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình). Cô đã in các tập sách “Trú rét”, “Đi qua đồng cói”, “Chân núi có một con đường”, “Đánh thức trái tim”, “Người hát gọi mặt trời” và gần đây nhất là “Nhà thánh”. Năm 2019, Lịch được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ngay sau khi đoạt giải Nhất truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Liệt kê số sách đã in của Vũ Thanh Lịch để thấy cô đã lao động trên cánh đồng chữ nghĩa rất miệt mài, trong nhiều năm liền, mới có thể chạm tới một giải nhất văn chương.

Hiện giờ, Lịch gắn liền với một công việc mà tôi nghĩ là nhiều nhà văn mơ ước. Mơ ước vì ở trong công việc ấy, cô sẽ bộn bề tư liệu, cảm hứng mà viết văn, chứ không phải vì nó kiếm được nhiều tiền hay gì khác. Người theo đuổi văn chương lâu dài thì sẽ biết tư liệu là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi biết công việc mà Lịch đang làm tôi phần nào lý giải được vì sao cô viết “Nhà thánh” lại xuất sắc đến vậy. Một truyện ngắn mà tôi cảm thấy Lịch viết trong trạng thái "lên đồng", thăng hoa tột độ, vụt sáng. Nó là một truyện ngắn đỉnh cao trong số những truyện Lịch đã viết. Nó cũng sẽ là một áp lực lớn đối với chính cô trong cuộc đời viết văn. Nó sáng lóa. Nó đi thẳng vào những điều nhức nhối trong đời sống tâm linh đang có phần nhiễu loạn hiện nay ở Bắc Bộ. Trong truyện ngắn này, Lịch làm chủ được cả cảm xúc lẫn tư duy, một sự hòa trộn chín chắn và tròn trĩnh.

Nhà văn Lê Lựu từng ví người viết văn như thợ đào giếng, có người đào xuống gặp ngay mạch nước, cũng có người miệt mài đào mãi mới gặp nước, lại có người đào cả đời không được cái giếng nào. Vũ Thanh Lịch thuộc vào nhóm thứ hai. Cái mạch nước ấy của Vũ Thanh Lịch chính là được đánh dấu bằng truyện ngắn “Nhà thánh”. Một mạch nước ngầm dữ dội, mãnh liệt, thăm thẳm. Và không chỉ với truyện ngắn, đề tài lịch sử - văn hóa - phong tục tập quán còn đi theo Lịch sang một lãnh địa rất nhiều thử thách khác - kịch bản sân khấu. Lịch mới ra mắt khán giả Thủ đô vở cải lương “Phận má đào” với tư cách biên kịch. Vở kịch được lấy cảm hứng từ vương triều nhà Đinh - một vương triều ghi dấu ấn mạnh mẽ trên mảnh đất Ninh Bình quê hương cô.

Với những gì mà Vũ Thanh Lịch đã mang đến cho công chúng đủ cho thấy nội lực của cô. Phía sau đấy là cuồn cuộn những lớp lang lịch sử, văn hóa, phong tục, quan niệm, lối sống, nếp nghĩ... trong không gian Đồng bằng Bắc Bộ. Nội lực là thứ giúp cho nhà văn đi đường dài, trong đó bao gồm cả sự bồi đắp không ngừng nghỉ một cách có ý thức cái vốn sống sẵn có. Cộng với thái độ lao động nghiêm túc, Vũ Thanh Lịch sẽ trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Mạch nguồn đã được khơi thông, cái khó chỉ là mở rộng, đi sâu bằng cách nào mà thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vũ Thanh Lịch và “mạch nước ngầm” thăm thẳm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.