(HNM) - Cuộc sống của 10 hộ dân đội 6, thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn (Quốc Oai) bị đảo lộn kể từ ngày xảy ra sự cố sụt, lún đất bất thường ...
Tường bao của hộ bà Tý đã bị nứt, đổ. |
Theo UBND huyện Quốc Oai, sự cố sụt, lún xảy ra khi hộ ông Nguyễn Đắc Cương trú tại khu Gò Soi, đội 6, thôn Sơn Trung thuê đơn vị khoan tư nhân do ông Đôn Văn Tứ là chủ máy thực hiện khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Quá trình khoan giếng được thực hiện từ ngày 2-4. Đến khoảng 12h40 ngày 4-4, sau khi rút mũi khoan lên khỏi giếng khoan để chuẩn bị cắm ống chống xuống thì nền đất, tường và sân nhà của các hộ xung quanh bị rạn, sụt, lún, nứt. Đến hết ngày 4-4, có 3 hộ gia đình gồm hộ bà Vị, bà Tý và bà Yến bị lún, nứt trên diện rộng. Nền đất tại vị trí giếng khoan của hộ ông Cương lún khoảng 15cm, đường kính ảnh hưởng 20m... Qua theo dõi hiện tượng sụt lún những ngày vừa qua cho thấy tình trạng này tiếp tục gia tăng, số hộ bị ảnh hưởng do sự cố sụt lún tính đến hết ngày 11-4 là 10 hộ. Nền đất tại gần khu vực giếng khoan sụt sâu khoảng 75cm so với hiện trạng ban đầu, phạm vi ảnh hưởng toàn vùng có đường kính khoảng 50m, diện tích bị ảnh hưởng rộng 2.000m2.
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới vào sáng 11-4, tuyến đường bê tông vào đội 6 thôn Sơn Trung bị nứt, gãy có chiều dài khoảng 50m, lún sâu 60-70cm so với hiện trạng ban đầu. Vị trí giếng khoan lún sâu khoảng 75cm, đã xuất hiện vết nứt cách chân đê khoảng 5m. Tại hộ gia đình bà Vị (giáp nhà ông Cương), tường bao, sân bị nứt toác, gian nhà cấp 4 mới xây dựng tường cũng bị nứt ngang, dọc, vết nứt rộng khoảng 15cm, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào; bể nước bị nứt, cạn kiệt kể từ khi xảy ra sự cố. Còn hộ bà Tý (đối diện nhà ông Cương), toàn bộ khu vườn bị lún sâu khoảng 60cm so với hiện trạng ban đầu, giếng khoan cũng bị sụt xuống, khu chuồng trại chăn nuôi, công trình phụ bị nứt tường, toàn bộ cổng ra vào và khoảng 30m tường bao bị nứt, đổ nham nhở.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với xã Yên Sơn kiểm tra thực địa, trong đó chú trọng triển khai công tác di dời người và tài sản của các hộ gia đình bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ông Nguyễn Phú Thành, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, từ ngày 4-4, xã đã lập tổ chốt trực, cử cán bộ giám sát, theo dõi thường xuyên diễn biến sụt lún… Xã đã thông báo tới các đơn vị, hộ gia đình trong phạm vi ảnh hưởng của sụt lún tạm dừng các hoạt động khoan, khai thác, sử dụng nước ngầm. Đến hết ngày 7-4, xã Yên Sơn đã vận động tất cả các hộ dân trong vùng ảnh hưởng di dời người và tài sản. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một số hộ chưa di dời triệt để tài sản (chủ yếu là vật nuôi). Ngoài ra, xã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với ông Đôn Văn Tứ - người thực hiện khoan giếng và ông Nguyễn Đắc Cương - chủ giếng khoan. Theo UBND xã Yên Sơn, đội khoan giếng do ông Đôn Văn Tứ làm chủ chưa được cấp giấy phép hành nghề khoan giếng.
Trước tình hình diễn biến sụt lún tại xã Yên Sơn ngày càng nghiêm trọng UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định nguyên nhân và hướng giải pháp khắc phục sự cố. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây nên sụt lún tại đây. Nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản, ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân, đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường sớm có kế hoạch khảo sát địa chất, địa chất thủy văn; xây dựng các giếng khoan quan trắc trên địa bàn, khoanh vùng khu vực có nguy cơ sụt, lún nhằm hạn chế xảy ra sự cố sụt, lún do khai thác, sử dụng nước ngầm gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.