(HNM) - Ngày 28-7, Công ty CPHH Vedan Việt Nam bất ngờ nâng mức
Vedan bất ngờ nâng tiền đền bù gấp hơn 2 lần
Cụ thể, Vedan nâng mức "hỗ trợ" nông dân tỉnh Đồng Nai từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) từ 10 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng và TP Hồ Chí Minh từ 16 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Động thái này xảy ra một ngày sau khi nông dân tỉnh BRVT nộp đơn khởi kiện Vedan lên tòa án và trong lúc Bộ Tài nguyên Môi trường đang nhóm họp tại Hà Nội để bàn việc khởi kiện Vedan.
Trong văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan cho rằng, việc nâng mức hỗ trợ các tỉnh, TP là hợp tình hợp lý để nhanh chóng giải quyết vụ việc, tránh gây thêm nhiều tốn kém và phiền hà cho người dân cũng như chính quyền. Vedan cũng thừa nhận việc gây ô nhiễm và giải quyết hậu quả của mình đã gây phiền hà cho nông dân và chính quyền các tỉnh; và kính xin các tỉnh, TP cho Vedan một cơ hội giải quyết nhanh chóng vụ việc để có thể tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam. Vedan cũng muốn TP Hồ Chí Minh xem xét đến hoàn cảnh kinh doanh khó khăn của mình và xin được trả 30 tỷ đồng này bằng 2 đợt: đợt 1 sẽ chuyển 15 tỷ đồng trong vòng 7 ngày kể từ khi UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý; 15 tỷ đồng còn lại sẽ chuyển trong lần 2, từ ngày 10 đến 14 -1-2011.
Các tỉnh: Kiên quyết kiện!
Trao đổi với Báo Hànộimới, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, người phụ trách pháp lý vụ kiện Vedan của nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tiếp tục "mặc cả" lên 30 tỷ đồng của Vedan là không thể chấp nhận được. Con số 45,7 tỷ đồng đền bù cho TP đã được Viện Môi trường Tài nguyên chứng minh bằng khoa học cụ thể nhưng Vedan vẫn cố tình "không hiểu", đến phút cuối cùng vẫn không chịu trách nhiệm đền bù số tiền này. Vì vậy, không thể cho Vedan một cơ hội nữa mà phải nhờ pháp lý phân xử.
Tại tỉnh BRVT, Luật sư Vũ Bá Thanh, Chủ nhiệm đoàn luật sư cho biết, trong ngày 28-7, các hộ dân vẫn tiếp tục nộp đơn khởi kiện Vedan tại Tòa án huyện Tân Thành. Về mức đền bù tăng gấp 4 lần cho BRVT, Luật sư Thanh cho rằng, Vedan đã có suy nghĩ về trách nhiệm của mình để đưa ra mức bồi thường khác. Việc nông dân BRVT có tiếp tục kiện Vedan hay chấp nhận mức đền bù mới, thì nông dân sẽ là người quyết định. Ông Trần Văn Cường, Phó GĐ Sở NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan của tỉnh BRVT cũng cho biết đang chờ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến của nông dân. Do lãnh đạo tỉnh đều đi họp với Bộ Tài nguyên Môi trường tại Hà Nội nên vấn đề sẽ được bàn bạc vào ngày mai.
Phát biểu về việc đột ngột nâng mức bồi thường từ 56 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng của Vedan, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, tuy Vedan có biểu hiện thiện chí nhưng vẫn chưa đủ. Vì vậy, nông dân sẽ tiếp tục kiện Vedan ra tòa. Muốn hoàn thành trách nhiệm của mình, Vedan phải bồi thường đúng con số mà các tỉnh yêu cầu chứ không phải 56 tỷ đồng hay 130 tỷ đồng, bởi con số mà nông dân đòi bồi thường đã được Viện Môi trường Tài nguyên thẩm định bằng cơ sở khoa học.
Đầy đủ cơ sở pháp lý để đưa Vedan ra tòa Đức Trường |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.