Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ sập Cầu Ghềnh (Đồng Nai): Thiệt hại dây chuyền vô cùng lớn

Trọng Ngôn| 23/03/2016 07:18

(HNM) - Tính đến thời điểm này, những thiệt hại sau khi xảy ra vụ sập Cầu Ghềnh (Đồng Nai) là vô cùng lớn. Cả ngành Giao thông - Vận tải (GT-VT) đang dồn tổng lực để khắc phục sự cố, khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc - Nam trong thời gian nhanh nhất có thể.

Cầu Ghềnh sập gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội.


Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngay sau sự cố sập Cầu Ghềnh, tuyến đường sắt Bắc - Nam gần như tê liệt hoàn toàn, do hành trình của 13 đôi tàu khách và 7 đôi tàu hàng trên tuyến bị ảnh hưởng. Ga Sài Gòn, Ga Biên Hòa bị cắt đứt, kéo theo gần 40 ga trên cả tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng liên đới ảnh hưởng. Chỉ tính riêng tại Ga Sài Gòn, mỗi ngày nơi đây đón khoảng 5.000 hành khách đi, đến và nay bị gián đoạn. Hằng ngày, Ga Sài Gòn phải bố trí hơn 100 lượt xe ô tô loại 45 chỗ để trung chuyển hành khách lên Ga Biên Hòa để đi tàu và ngược lại. Việc này khiến chi phí của ngành Đường sắt đội lên hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Không chỉ vậy, theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, trong suốt thời gian chờ sửa cầu sẽ tạm ngừng tổ chức chạy đôi tàu SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết), đồng thời cũng ngừng tổ chức chạy tàu SNT1, thay vào đó sẽ chạy tàu SNT5 (Nha Trang - Sài Gòn).

Nhằm giảm chi phí phải thuê ô tô để vận chuyển hành khách từ Ga Sài Gòn lên Ga Biên Hòa, ông Đỗ Quang Văn cho biết từ ngày 23-3, thay vì đi ô tô, hành khách sẽ lên tàu ngay tại Ga Sài Gòn để di chuyển lên Ga Sóng Thần (Bình Dương), sau đó từ Ga Sóng Thần khách sẽ được vận chuyển bằng ô tô lên Ga Biên Hòa (Đồng Nai) để lên tàu tiếp tục hành trình. Phương án này được cho là tránh gây áp lực lên hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh vốn đã quá tải, đồng thời bảo đảm tiến độ vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, với phương án này, hành khách sẽ vất vả và mệt mỏi hơn khi phải đi hai lượt (một lượt tàu, một lượt ô tô) từ Ga Sài Gòn lên Ga Biên Hòa và ngược lại. Đây là thiệt hại trực tiếp không hề nhỏ.

Ngoài Ga Sài Gòn, Ga Sóng Thần (Bình Dương) - một trong những ga hàng hóa lớn của cả nước - cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện số lượng hàng hóa khá lớn (khoảng vài chục toa xe, mỗi toa từ 20 đến 30 tấn) trên đường từ Nam ra Bắc đang ùn ứ tại Ga Sóng Thần. Ở chiều ngược lại, lượng hàng hóa trên các toa (khoảng vài trăm toa) từ Bắc vào Nam cũng bị ùn ứ và thiệt hại là khó đong đếm.

Chưa hết, để sửa chữa cây cầu huyết mạch theo phương án xây mới hai trụ và ba nhịp cầu như kết luận tại cuộc họp mới đây sẽ phải kéo dài 4-5 tháng. Chỉ khi việc này hoàn thành thì tuyến đường sắt Bắc - Nam mới thông suốt. Trong khoảng thời gian gián đoạn ấy, các doanh nghiệp vốn lâu nay chọn đường sắt làm phương tiện vận tải hàng hóa nay sẽ phải chuyển hướng, khiến chi phí đội lên nhiều. Đây là thiệt hại mang tính dây chuyền sau sự cố sập cầu.

Ngoài những thiệt hại trên, theo ước tính, chi phí để huy động nhân lực cùng các phương tiện kỹ thuật để trục vớt dầm cầu, trụ cầu, tàu kéo có thể lên tới hơn 12 tỷ đồng. Theo Bộ GT-VT, ngoài công tác trục vớt, còn phải xây dựng phương án tổ chức lại giao thông đường thủy để bảo đảm tàu thuyền đi qua khu vực này được an toàn. Đặc biệt, hiện Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng phương án khôi phục lại Cầu Ghềnh với chi phí có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm với những thiệt hại trên? Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, về nguyên tắc, chủ sở hữu phương tiện vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng phải bồi thường thiệt hại do phương tiện đó gây ra. "Nếu số tiền quá lớn, chủ phương tiện không đủ khả năng bồi thường thì có thể khởi kiện người lái phương tiện để thỏa thuận số tiền phải bồi thường bằng một vụ kiện dân sự khác", luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh. Nhưng liệu cả 2 tài công và chủ phương tiện (đang bị tạm giữ) có đủ tiền bồi thường với hành vi họ đã gây ra là câu hỏi khó trả lời!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ sập Cầu Ghềnh (Đồng Nai): Thiệt hại dây chuyền vô cùng lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.