(HNM) - Tuần qua, Công ty Môi giới chứng khoán MF Global Holdings Ltd. 200 năm tuổi đã đệ đơn xin phá sản với số nợ lên đến 39,7 tỷ USD (gần bằng mức tổng tài sản 42 tỷ USD của công ty) do những khoản thua lỗ liên quan đến số trái phiếu của các chính phủ châu Âu mà công ty này đang nắm giữ.
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua đã chao đảo sau khi MF Global đệ đơn phá sản. |
Như vậy, MF Global đã trở thành nạn nhân đầu tiên trên Phố Wall của cuộc khủng hoảng nợ công tại Lục địa già và đây là vụ phá sản lớn thứ 7 tính về tài sản trong lịch sử Mỹ. Vụ phá sản này ngay lập tức gây sốc lớn trên thị trường tài chính thế giới.
MF Global từng là một trong số 22 công ty tài chính được coi là an toàn đến độ đủ để thay mặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát hành các khoản nợ của Chính phủ Mỹ. Công ty từng tồn tại 2 thế kỷ này chỉ chưa đầy hai năm dưới sự lãnh đạo của CEO Jon Corzine - người từng là Chủ tịch của Goldman Sachs, Thượng nghị sỹ bang New Jersey rồi Thống đốc bang New Jersey, MF Global - sụp đổ đang thu hút sự chú ý của giới tài chính toàn cầu. Khi quyết định dừng sự nghiệp chính trị năm ngoái để chèo lái MF Global, chính trị gia này đã có tham vọng biến công ty 200 năm tuổi thành một "Goldman nhỏ", bằng cách mua vào các khoản nợ mạo hiểm của châu Âu. Trước ngày đệ đơn phá sản (31-10), MF Global nắm giữ 6,29 tỷ USD nợ của Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ireland. Trong số đó, 1,37 tỷ USD là trái phiếu của Bồ Đào Nha và Ireland, những nước đã phải nhận cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và hơn một nửa là trái phiếu của Italia, nước đang phải chịu chi phí vay mượn tăng lên trong những ngày gần đây. Số trái phiếu này có lãi suất cao hơn so với trái phiếu của Mỹ, vì các nước phát hành có nguy cơ vỡ nợ cao hơn Mỹ. MF Global rốt cuộc đã phải trả giá cho cuộc chơi may rủi này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang ngày càng chìm sâu.
Trong hồ sơ phá sản, MF Global cho biết nguồn doanh thu lớn của công ty đến từ tiền đầu tư của khách hàng vào các tài sản lợi suất cao. Khi lãi suất giảm trong những năm gần đây, thu nhập ròng của MF Global cũng giảm, từ mức 1,8 tỷ USD vào quý II năm tài khóa 2007 xuống 113 triệu USD chỉ 4 năm sau đó. Cổ phiếu của MF Global, từ mức giá 30USD/cổ phiếu vào cuối năm 2007, đến năm 2009 chỉ còn chưa đầy 10USD/cổ phiếu. Vụ MF Global phá sản đã lộ rõ "gót chân Achilles" của trái phiếu chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế bấp bênh. Sự sụp đổ của MF Global đã ảnh hưởng lớn đến hai gã khổng lồ của làng tài chính thế giới là JP Morgan và Deutsche Bank. Đây là hai chủ nợ lớn nhất của hãng với tổng mức cho vay có thể lên tới 2,2 tỷ USD. Ngay sau khi tin MF Global phá sản loang ra, cổ phiếu của JP Morgan và Deutsche Bank niêm yết tại NYSE giảm lần lượt 3,3% và 8,7%.
Với tổng tài sản 42 tỷ USD, sự "ra đi" của MF Global chưa thể sánh với vụ sụp đổ đình đám của Lehman Brothers năm 2008 (tổng tài sản lúc đó là gần 640 tỷ USD). Tuy nhiên, đây vẫn là cú đòn đánh mạnh vào lòng tin của nhà đầu tư trong thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế thế giới - nỗi lo suy thoái kép chưa qua, lòng tin chưa được khôi phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.