Ngày 16-5, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm tại kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 6. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã cho các bị cáo nói lời nói sau cùng trước khi bước vào phần nghị án.
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho rằng, những gì mình làm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có sai nhưng là sai phạm về mặt quy chế và xin chịu trách nhiệm trước những sai phạm này, chứ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và không nhận lời bất kỳ phụ huynh, thí sinh nào để nâng điểm.
Trước kỳ thi cũng có phụ huynh nhờ bị cáo nâng điểm, nhờ quan tâm các cháu nhưng bị cáo nói: "Đây là kỳ thi nghiêm túc nên hãy bảo các cháu học đi". "Những gì bị cáo làm chỉ mong kỳ thi tốt hơn, nhưng do sự chủ quan mà bây giờ bị cáo phải trả giá. Mong Hội đồng xét xử căn cứ vào hồ sơ cũng như quá trình điều tra để đánh giá khách quan về hành vi của bị cáo", bị cáo Nguyễn Quang Vinh nói và cho biết, nếu vẫn bị kết tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” thì sẽ kháng cáo đến cùng...
Bị cáo Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, Hội đồng xét xử đưa bị cáo ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” là không đúng người, đúng tội, bị oan sai. Mong Hội đồng xét xử đánh giá khách quan, chính xác nhất về hành vi của bị cáo, cũng như để bảo vệ cho các bị cáo đang bị oan... Bị cáo sẽ kêu oan, kháng cáo đến cùng, sẽ đề nghị xử đến phúc thẩm, giám đốc thẩm. “Đời bị cáo chưa xong, đời con, đời cháu bị cáo vẫn phải minh oan cho bị cáo vô tội”, bị cáo Khương Ngọc Chất nói.
Bị cáo Đào Ngọc Thuật, nguyên giáo viên Trường THPT Mường Bi, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) cho rằng, với hành vi xem điểm trước khi công bố, bị cáo chỉ có lỗi chứ không có tội. Mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo sớm trở về với cuộc sống xã hội.
Ngoài các bị cáo (Nguyễn Quang Vinh, Khương Ngọc Chất và Đào Ngọc Thuật) không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan khi được nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại đều thể hiện sự ăn năn, hối lỗi mong được Hội đồng xét xử xem xét áp dụng mức hình phạt thấp nhất để sớm được trở về với cuộc sống đời thường, trở thành người có ích tiếp tục được cống hiến cho xã hội.
Tại phiên tòa, được nói lời nói sau cùng, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lạc Thủy đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, nhân dân, ngành Giáo dục và các bậc cha mẹ, học sinh. Đặc biệt, xin lỗi các phụ huynh và các em học sinh bị tác động, ảnh hưởng bởi hành động sai trái của bị cáo trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Bị cáo không biết dùng lời nói nào để tự bào chữa cho hành vi sai phạm của mình, chỉ biết dùng hành động, biểu lộ để thể hiện sự ăn năn, sám hối.
Trong phiên tòa, bị cáo đã nhận rất nhiều cáo buộc cho rằng bị cáo nói không đúng sự thật, nói oan cho người khác để có lợi cho mình. Nhưng các bị cáo hãy nhìn vào dư luận, đặt cương vị mình vào các phụ huynh, học sinh chịu ảnh hưởng trong kỳ thi để phán xét lương tâm của mình. Bị cáo không nghĩ có ngày phải ra hầu tòa với tư cách là một thầy giáo vi phạm trong ngành Giáo dục. Chỉ vì sự lôi kéo và do bản thân bị cáo có động cơ không đúng đắn mới có ngày hôm nay, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nói.
Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cũng đã thể hiện sự ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình và nhận thấy sai lầm của mình đã tạo ra vết nhơ cho gia đình. Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên mong Hội đồng xét xử cho hưởng sự khoan hồng để làm lại cuộc đời, có thời gian chăm chồng, con và trở thành người có ích cho xã hội.
Các bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thị Thu Loan, nguyên giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân; Nguyễn Thị Hồng Chung, nguyên giáo viên Trường THPT Ngô Quyền; Bùi Thanh Trà, nguyên giáo viên Trường THPT Lương Sơn; Quách Thanh Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT 19-5; Nguyễn Tân Hưng, nguyên cán bộ Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đức Hoàng, nguyên thanh tra viên, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phùng Văn Thụ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp; Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ; Hồ Chúc, giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy đều thừa nhận hành vi phạm tội gây hậu quả, sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình. Các bị cáo mong nhận được sự khoan hồng và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt các bị cáo mức án thấp nhất để sớm được trở về với gia đình, làm lại cuộc đời và tiếp tục có những cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.