(HNM) - Là vở cải lương đề tài hiện đại hiếm hoi của sân khấu cải lương miền Bắc, "Vú Cát" vừa ra mắt khán giả vào tối 25-12, tại Rạp Hồng Hà. Tác phẩm do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng ca ngợi sự vươn lên, tình yêu quê hương, sự chiến thắng thiên tai, địch họa cùng tệ quan tham lộng hành.
Gần tới giờ khai diễn vở "Vú Cát", Rạp Hồng Hà đã không còn ghế trống, những khán giả tới sát giờ diễn phải kê thêm ghế nhựa để ngồi, hoặc đứng kín mọi chỗ trống. Một phần vì vở diễn không bán vé, một phần vì cái tên đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng, hội diễn mà chị đạt được, và lâu lâu sân khấu cải lương Hà Nội mới ra một vở, mà đặc biệt là vở với đề tài hiện đại.
Cảnh trong vở “Vú Cát”. |
Khai màn, phong cảnh một làng quê ven biển hiện ra, phía trước mặt là biển, phía sau là những núi cát tròn căng mà người dân nơi đây gọi là Vú Cát. Người dân làng Vú Cát nghèo xác xơ bởi bão tố, thiên tai rình rập quanh năm, bởi những ruộng lúa còi cọc trên những thửa ruộng ba phần đất, bảy phần cát, và bởi những tên cán bộ xã, huyện tham lam, ty tiện. Sau trận bão càn quét, hơn chục người Vú Cát thiệt mạng trong đó có cả ông trưởng thôn. Thế mà tay phó trưởng thôn Hoạt chỉ lăm le báo cáo láo số nhà bị tốc mái, số cây bị bão quật… để xin tiền hỗ trợ của nhà nước và bỏ túi. Người dân Vú Cát tiêu điều, xơ xác đã bỏ làng đi gần hết. May thay, trong làng còn có cô Lúa, trước là thanh niên xung phong về làm cán bộ phụ nữ, còn có Liên - kỹ sư nông nghiệp trẻ vừa ra trường quyết định ở lại làng, nghiên cứu đề án nuôi tôm trên cát giúp bà con nghèo vượt khó, còn có anh thương binh Nhớ quyết bỏ trại an dưỡng để về gây dựng lại làng. Ai ngờ tay Hoạt móc nối với tên "cave dự án" Phởn cướp dự án, cùng với sự hèn hạ, thủ đoạn, tham lam gây ra bao tai họa cho người làng Vú Cát. Không chịu để cho những kẻ xấu lộng hành, không chịu bị thiên nhiên khuất phục, cô Lúa, anh Nhớ, cô Liên… đã đấu tranh để đề án nuôi tôm được thực hiện, loại bỏ những người xấu như tay Hoạt, tên Phởn. Ấm no dần đến với Vú Cát. Những người bỏ làng đi lại trở về xây dựng quê hương tươi đẹp hơn.
Được nghệ sĩ Ngọc Chi chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nghệ sĩ Quỳnh Mai đạo diễn, "Vú Cát" là sự đan xen của nhiều tầng lớp truyện. Đó là câu chuyện vượt qua khó khăn, là tình cảm giữa anh thương binh Nhớ và cô Lúa, là vạch mặt thói tham nhũng lộng hành trong một bộ phận quan chức địa phương, là lên án những tệ nạn xã hội như chạy chức, bằng giả, ăn chặn dự án hỗ trợ dân... Xen lẫn đó là ngợi ca những người dân biết đấu tranh, vươn lên để xây dựng quê hương ấm no. Các tình tiết truyện được đan cài hợp lý. Bên cạnh những lời ca còn là những đoạn thoại với tình tiết gây cười, tạo thêm gia vị cho vở diễn. Đặc biệt, những người dựng vở đã rất khéo léo khi dùng một tấm vải trắng phủ lên sân khấu. Tấm vải này được biến hóa tài tình, khi đội lên thành những núi cát căng tròn, khi được một luồng gió thổi liên tiếp tạo thành dòng nước chảy trên mép biển, khi là bãi cát với màu trắng của ngày nắng…
Thật khó để tìm ra được một điểm để chê "Vú Cát", bởi câu chuyện với các tình tiết sân khấu được sắp đặt khéo léo, mạch lạc, diễn tả nhiều tầng lớp ý nghĩa với các giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực rõ nét. Tuy nhiên, nếu thời lượng của vở diễn rút ngắn bớt thì "Vú Cát" sẽ thành công hơn nữa, bởi thật khó bắt khán giả trẻ ngồi hai tiếng rưỡi để xem hết một vở cải lương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.