Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ bé 2 tuổi vạ vật chờ visa: Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài lên tiếng

Theo ĐS&PL| 28/01/2016 07:55

Về vụ bé 2 tuổi vạ vật chờ visa, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài vừa có thông tin phản hồi chính thức vụ việc...


Thông tin trên báo VnExpress, ngày 26/1, trên trang Noibai International Airport - Customer Satisfaction chia sẻ một bài viết, được dân mạng nhìn nhận là "tiếng nói" của sân bay Quốc tế Nội Bài, kèm nhiều hình ảnh, theo lời bài viết là được cắt từ camera của Cảng HKQT Nội Bài, để làm rõ bản chất câu chuyện gây "sốt" trên mạng xã hội 1 tuần trước. Chuyện về bé gái 2,5 tuổi theo mẹ về Việt Nam ăn Tết được cho là phải xếp hàng tại sân bay Nội Bài khá lâu trong tình trạng mệt mỏi do sốt cao, vì mẹ bé "không chịu đút tiền" công an hải quan cửa khẩu.

Nội dung bài viết cho rằng việc khách phản ánh “bị vòi tiền uống nước” chưa có chứng cứ xác thực. Bài viết cũng bày tỏ sự cầu thị đối trước những sự góp ý của người viết lại câu chuyện về 2 mẹ con kể trên:

"Vừa qua, vào ngày 19/01/2016, mặc dù trên kênh góp ý chính thống của Cảng không nhận được ý kiến phản hồi có liên quan, thì trên mạng xã hội xuất hiện một câu chuyện không rõ thực hư lan truyền khá ầm ĩ với nhiều ý kiến bình luận trái chiều, gây cái nhìn không thiện cảm của độc giả đối với hình ảnh của Cảng HKQT Nội Bài...

5h51: khách bắt đầu xếp hàng chờ cấp thị thực.


Lần theo câu chuyện, chúng tôi thấy xuất hiện trên hệ thống camera của Cảng HKQT Nội Bài vào ngày 13/01/2016, lúc 05p 51s là hình ảnh một bà mẹ trẻ với hai tay kéo hai vali khá to, tác phong nhanh nhẹn và bên cạnh là cô công chúa nhỏ ấm áp trong chiếc áo dạ màu tím hồng, lưng đeo ba lô nhỏ, chạy tung tăng quanh mẹ.

Theo hình ảnh camera ghi lại, quá trình cấp thị thực của hai mẹ con diễn ra bình thường như sau: 05h51: khách xếp hàng chờ cấp thị thực; 05h57, khách vào nộp hồ sơ (việc tiếp nhận trong vòng 20 giây); 06h26: Công an cửa khẩu Nội Bài trả hộ chiếu cho khách, sau đó khách ra bục kiểm soát làm thủ tục nhập cảnh (trong vòng 01 phút 30 giây).

05h57: khách vào nộp hồ sơ.

Tổng thời gian từ lúc khách xếp hàng cấp thị thực đến lúc ra khỏi khu vực nhập cảnh là 35 phút. Hình ảnh camara ghi lại trong cả quá trình cấp thị thực khách không tiếp xúc với bất kỳ cán bộ, nhân viên hàng không nào khác ngoài thời điểm nộp hồ sơ và trả tiền lệ phí, và cũng cho thấy không có sự trao đổi thông tin gì. Như vậy việc khách phản ánh “bị vòi tiền uống nước” chúng tôi chưa tìm thấy chứng cứ xác thực. Và tổng thời gian khách chờ lấy thị thực 35 phút (chứ không phải là hơn một tiếng đồng hồ như bài viết phản ánh) là hoàn toàn bình thường. Thêm nữa, chuyện cô công chúa áo tím hiếu động, sau một hồi chạy nhảy khám phá sân bay thì nghịch ngợm ngồi nghỉ, gối đầu lên va li, trong lúc cả dãy hàng ghế trống phía sau phục vụ cô không được cô bé sử dụng. Lúc đó là thời điểm 06h26p48s, đây cũng là thời khắc mà bà mẹ đã nhanh tay ghi lại hình ảnh và post trên bài viết (Quý độc giả có thể vào xem các hình ảnh để tự cảm nhận).

Nói thêm về văn hóa xếp hàng. Tại Cảng HKQT Nội Bài, các đối tượng người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, bà mẹ đi kèm con nhỏ... luôn là đối tượng ưu tiên, được mời vào làm thủ tục trước. Rất tiếc bà mẹ trẻ trong câu chuyện chưa được cán bộ công an cửa khẩu phát hiện để ưu tiên. Phải chăng một phần do cô công chúa nhỏ hiếu động chạy luôn chân? Về phía Cảng HKQT Nội Bài – là một cảng hàng không quốc tế, nên việc đặt thêm một tấm biển đề nghị xếp hàng, đề nghị ưu tiên cho đối tượng A, B, C, D... xét về khía cạnh tôn trọng sự đa dạng về văn hóa của các nước là không phù hợp.


Văn hóa xếp hàng ở châu Âu đã ăn vào tiềm thức từ thỏa lọt lòng. Văn hóa xếp hàng ở Châu Á thì còn nhiều điều đáng bàn. Tuy vậy, có một tinh thần Samurai tiềm ẩn sâu trong con người xử sở hoa anh đào - đất nước Nhật Bản rất đáng nể về văn hóa xếp hàng, nhường chỗ. Lòng tự trọng mạnh mẽ trong họ lớn đến mức họ không muốn bị coi là đối tượng được ưu ái hơn người khác, với họ mọi người đều bình đẳng, ai đến trước thì được phục vụ trước. Điểm này thật đáng để ta suy ngẫm...

...Người viết lại câu chuyện về 2 mẹ con nhà nọ có ý tốt: mong muốn xã hội lên án những tệ nạn tiêu cực của xã hội. Điều này hoàn toàn giống với quan điểm của chúng tôi, một đơn vị đang ra sức cải thiện chất lượng dịch vụ không chỉ của Cảng cung cấp mà còn của cả các cơ quan, đơn vị hoạt động tại Cảng trong chuỗi dây chuyền phục vụ hành khách theo một chuẩn chung. Những trường hợp sai phạm đều bị kỷ luật nghiêm theo mức độ vi phạm. Thật đáng tiếc câu chuyện ồn ào được "like" "comment" và "share" một cách thiếu kiểm soát. Dẫn tới nhiều nỗ lực của nhiều đơn vị bị đổ đồng với những tính từ đánh giá thiếu suy nghĩ. Thậm chí nhiều độc giả còn theo sự cổ động của bài viết trên vào “rate” và đánh giá trên trang Facebook dành cho hành khách của Cảng HKQT Nội Bài những "cảm nhận" không có căn cứ...

Thời khắc căm giá khắc nghiệt này sẽ qua, một mùa xuân ấm áp sẽ đến. Hai mẹ con nhà nọ sau thời gian sum vầy bên gia đình sẽ quay lại Nội Bài, tạm biệt quê hương Việt Nam để bắt đầu một hành trình mới về với một cuộc sống văn minh nơi xứ người. Một mẹ, một con, hành lý cồng kềnh, vất vả, nếu có nhu cầu được tư vấn thêm về dịch vụ hỗ trợ đón tiễn hành khách, đề nghị quý khách liên lạc với chúng tôi để được tư vấn. Nếu có điều gì cần phản ánh, vui lòng gửi chính thức cho chúng tôi để được kịp thời giải đáp, tránh tình trạng tạo nên các câu chuyện ồn ào không đầu không cuối như vừa qua".

Bài viết khẳng định:

"Toàn bộ danh tính của những người trong câu chuyện đã được chúng tôi tìm hiểu. Toàn bộ hình ảnh từ hệ thống camera giám sát an ninh đã được chúng tôi lưu lại để cung cấp cho các cơ quan nếu cần thiết.

Và thêm một điều nữa, chúng tôi muốn nhắn nhủ:

“Nếu bạn hài lòng, hãy kể cho bạn của bạn. Nếu bạn chưa hài lòng, hãy nói cho chúng tôi”.

Cảng HKQT Nội Bài luôn cầu thị và trân trọng mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng để dịch vụ không ngừng được cải thiện, để Cảng HKQT Nội Bài là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong trái tim mọi hành khách!"

Trước đó, bức "tâm thư" kể về việc một bà mẹ đưa con về thăm ông bà ngoại, và đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội. Nhưng ngay tại sân bay Nội Bài, hai mẹ con đã bị vòi "tiền uống nước" từ các cán bộ cửa khẩu nếu muốn lấy visa nhập cảnh nhanh hơn. Vì không đưa "tiền uống nước" cho cán bộ Việt Nam, nên cô bé 2 tuổi rưỡi đã xếp hàng chờ cùng mẹ 1 tiếng đồng hồ để lấy visa, trong khi ở các sân bay khác, trẻ con luôn được ưu tiên làm thủ tục trước... khiến cộng đồng mạng "dậy sóng". Bức "tâm thư" do một người tự xưng là bạn của bà mẹ trẻ này công bố, có đoạn viết:

Mẹ xin lỗi con!

Sau những phút bịn rịn chia tay bố ở phi trường CDG Paris, con theo mẹ lên máy bay của hãng hàng không VNA về sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Con sốt cao từ hai hôm trước nên con khá mệt trên chuyến bay dài.

Rồi máy bay cũng hạ cánh, theo chân mẹ con đi lấy hành lý và đến cửa khẩu nhập cảnh.

Vì con chỉ có hộ chiếu Pháp, nên bố đã đặt làm giấy tờ cho con trên mạng internet, lấy visa ngay tại cửa khẩu Nội Bài.

Ở đó, hai mẹ con gặp các cô chú công an hải quan cửa khẩu, họ nói rằng "Xin cháu mấy chục đồng để uống nước" thì sẽ được cấp visa ngay, còn không thì xin mời xếp hàng đợi. (chục đồng ở đây là đồng euro hoặc dollar)

Mẹ bảo họ mẹ không có tiền mặt ở đây, và thế là hai mẹ con được đứng đợi hơn một tiếng đồng hồ.

Còn những người chấp nhận bỏ vài chục đồng cho họ uống nước thì được giải quyết ngay và luôn cho dù không hề có luật nào như thế.

Con mệt và ngơ ngác, con muốn đi vệ sinh nhưng con vẫn phải xếp hàng, con không hiểu tại sao hai mẹ con phải đợi.

Mẹ xin lỗi con gái, mẹ vô cùng thất vọng và không muốn tiếp tay cho những người tham lam kia.

Vì thế dù vài chục euro là một số tiền không quá lớn, nhưng mẹ đã để con phải đợi cùng mẹ.
Con gái thân yêu, đây là đất nước của mẹ và quê hương của con đấy. Mẹ rất xấu hổ nhưng đúng là thế...

May mắn là con rất ngoan, con mệt nhưng con không khóc lóc, con nằm dựa vào hai chiếc vali kiên nhẫn chờ tới lượt.

Hai chiếc vali chứa rất nhiều quần áo cũ hai mẹ con đã xắp xếp hôm trước để mang về gửi tặng các bạn nghèo vùng cao.

Mẹ xin lỗi con!

...". 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ bé 2 tuổi vạ vật chờ visa: Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài lên tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.