(HNM) - 58 năm qua, kể từ khi xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2019), cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và nhân dân thành phố Hà Nội luôn hết lòng giúp đỡ, tận tình chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin. Nhờ đó, nỗi đau mang tên da cam do chiến tranh gây ra vơi dần theo năm tháng.
Vượt lên hoàn cảnh
Biết tin có khách đến thăm vào một ngày đầu tháng 8-2019, anh Đặng Trịnh Bộ, sinh năm 1980, tại thôn Quất Động, xã Quất Động (huyện Thường Tín) tạm dừng vận chuyển hàng hóa, điều khiển chiếc xe ba bánh về nhà. Mặc dù bước đi khó nhọc do lưng bị còng gập, quần áo đẫm mồ hôi, anh vẫn tươi cười và nói với chúng tôi: “Khách gọi chở hàng liên tục, tôi làm không hết việc. Vất vả một chút, nhưng bù lại kinh tế gia đình khấm khá hơn”.
Qua lời kể của anh Bộ, chúng tôi được biết, bố anh là Đặng Trịnh Đợt (sinh năm 1945), mẹ là Phạm Thị Giáp (sinh năm 1948) bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nên các con của ông, bà đều bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học này. Người thì bị thiểu năng trí tuệ, người khuyết tật vận động, cuộc sống của cả gia đình chồng chất khó khăn. Là người nhanh nhẹn, khỏe nhất, anh Bộ luôn nuôi dưỡng ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo.
Bước vào độ tuổi lao động, anh nỗ lực học nghề sửa chữa điện dân dụng do các tổ chức từ thiện hỗ trợ đào tạo. Có nghề, lại ham học hỏi, năm 2004, anh Bộ được một doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc. Khi đi làm, anh Bộ nhận thấy việc kinh doanh nông sản có nhiều cơ hội nâng cao thu nhập, nên anh quyết định đổi nghề. Hằng ngày, anh cần mẫn sử dụng chiếc xe ba bánh đi lấy hàng nông sản và giao cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Hành trình vượt lên hoàn cảnh không chỉ giúp anh Đặng Trịnh Bộ cải thiện kinh tế gia đình, mà còn gặp được người bạn đời chịu thương chịu khó vào năm 2009. Sau 10 năm cùng nhau dựng xây cuộc sống, hiện nay, vợ chồng anh đã sở hữu một ngôi nhà khang trang, có nguồn thu nhập ổn định để nuôi hai con, chăm sóc người thân. Đáng quý hơn, anh Bộ thường xuyên sử dụng chiếc xe ba bánh đi làm việc thiện.
Chia sẻ về anh Bộ, bà Chu Thị Phúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thường Tín nói: “Anh Đặng Trịnh Bộ là ví dụ điển hình cho tinh thần trao đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Những việc làm có ích cho cộng đồng của anh Bộ còn cho thấy, dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có đủ ý chí, nghị lực, thì vẫn trở thành người có ích cho xã hội”.
Một trường hợp khác không khuất phục trước hoàn cảnh mà chúng tôi gặp là ông Phạm Chí, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Kim Liên (quận Đống Đa). Tiếp chúng tôi, ông Chí kể rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông chiến đấu ở khu vực phía Tây Trường Sơn. Khi đất nước thống nhất, ông trở về quê hương, lập gia đình và luôn mơ ước về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
Tiếc thay, ước mơ giản dị của ông không thể vẹn tròn bởi bản thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sinh được một người con gái duy nhất cũng bị ảnh hưởng, đau ốm, trí tuệ không phát triển. Nén nỗi đau vào lòng, ông Phạm Chí vừa chăm sóc con, vừa nhiệt tình tham gia công tác xã hội với tâm nguyện có thể giúp đỡ những nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Ngoài những dẫn chứng kể trên, ở thành phố Hà Nội còn nhiều nạn nhân da cam vượt lên số phận để làm chủ cuộc sống. Đó là ông Cao Xuân Oanh, xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ) với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng; ông Trần Ngọc Khánh, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) với mô hình bán thức ăn chăn nuôi…
“Hiện nay, thành phố Hà Nội không còn gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm cả những gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, thuộc diện hộ nghèo”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay.
Tiếp tục xoa dịu nỗi đau
Nhìn lại 58 năm qua, không khó để nhận thấy, cùng với nỗ lực của bản thân, hơn 50.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam trên địa bàn Hà Nội đã, đang nhận được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và toàn xã hội. Ông Nguyễn Sỹ Thúy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội cho biết, từ năm 2004 đến nay, các cấp hội đã vận động được hơn 85 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 229.000 lượt gia đình nạn nhân da cam về vốn sản xuất, nhà ở, giáo dục, việc làm, khám chữa bệnh…
Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động cũng thu hút hàng nghìn tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, hàng hóa. Nhờ đó, 100% nạn nhân da cam và gia đình họ nhận được sự hỗ trợ, động viên kịp thời.
Ông Mai Thế Lý là nạn nhân da cam ở tổ dân phố 19, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Gia đình tôi vừa được các đơn vị chức năng bàn giao nhà tình nghĩa vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) với kinh phí hỗ trợ sửa chữa lên tới hơn 100 triệu đồng. Không còn phải sống trong nỗi lo nhà bị xuống cấp, cũng đồng nghĩa với việc chất lượng sống của gia đình tôi được cải thiện”.
"Nhằm giúp hội viên và gia đình nâng cao mức sống, trong những năm tiếp theo, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đến cấp xã, phường, thị trấn; đồng thời đổi mới hoạt động, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân da cam cả về vật chất, tinh thần", ông Nguyễn Sỹ Thúy nhấn mạnh.
Là cơ quan thực thi các chính sách ưu đãi người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã hướng dẫn các địa phương chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học kịp thời, hiệu quả, bảo đảm 100% số người đủ điều kiện đều được thụ hưởng chính sách.
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), trụ sở ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì).
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm cho hay: Đi vào hoạt động từ năm 2016 đến nay, đơn vị thường xuyên chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho gần 100 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Nhận được sự chăm sóc toàn diện, sức khỏe của đa số nạn nhân có sự tiến triển tốt...
Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh tin tưởng, với nhiều giải pháp đã và đang triển khai, nỗi đau mang tên da cam trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục được xoa dịu, vơi dần theo năm tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.