(HNM) - Sáng 24-4, ông Việt sang xã Cổ Bi (Gia Lâm) thăm ông bạn. Thấy ông bạn ở nhà chăm sóc mấy con chim khuyên, chào mào, nét mặt đượm buồn, ông Việt tò mò:
- Dạo này ông rỗi việc thế? Không ra ngoài bãi trồng trọt nữa à?
Ông bạn nhăn nhó trả lời:
- Còn đất đâu nữa mà canh với tác.
- Tại sao vậy? Bị thu hồi à?
- Không phải thế, bị "cát tặc" nuốt chửng mất rồi.
Không tin, ông Việt đề nghị ông bạn dẫn ra bờ sông xem thì quả đúng như vậy. Chỉ tính riêng đoạn sông Đuống từ Cổ Bi đến xã Lệ Chi, hằng ngày có gần chục "vòi bạch tuộc" ngang nhiên hút cát, "liếm" sát bờ bãi, làm sụt lở nhiều đất canh tác khiến bà con lo lắng.
- Tại sao không phản ánh đến chính quyền để ngăn chặn tình trạng này? - Ông Việt hỏi bạn.
- Dân phản ánh nhiều rồi, chính quyền địa phương đã kiến nghị tới các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý. Nghe tin có kiểm tra, "cát tặc" chuồn. Khi họ đi rồi, "cát tặc" lại ào ra. Cứ như đá ném ao bèo.
Trong thư gửi Người Xây Dựng, ông Việt bày tỏ sự băn khoăn: Mùa mưa bão đã đến, công tác tuyên truyền bảo vệ đê điều đã và đang triển khai rầm rộ. Vậy mà, ở đây "cát tặc" cứ ngang nhiên hoạt động là sao? Cứ đà này, e rằng không chỉ đất canh tác các vùng Phú Thị, Lệ Chi, Kim Sơn, Cổ Bi… (Gia Lâm) dần bị mất đi mà đê điều khu vực này chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.